Lý do Moody's lần đầu tiên hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ
Việc bị giảm xếp hạng tín nhiệm cao nhất từ 3 tổ chức đánh giá uy tín nhất thế giới là hồi chuông cảnh báo cho nền kinh tế Mỹ.
Moody’s Ratings vừa chính thức hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất Aaa xuống Aa1 sau hơn 75 năm, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Mỹ giữ vững vị trí "vay mượn không giới hạn" trong con mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Cần nhớ rằng Mỹ chưa từng bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm xuống mức Aa1 kể từ khi tập đoàn này bắt đầu xếp hạng vào năm 1949. Trước đó, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ xuống AA+ vào tháng 8/2023, trong khi S&P Global Ratings lần đầu tiên làm điều này vào tháng 8/2011.
Đây cũng là tổ chức xếp hạng tín nhiệm cuối cùng trong "bộ ba quyền lực" gồm Moody’s, Fitch và S&P Global thực hiện động thái này, phản ánh mối lo ngại ngày càng sâu sắc về mức nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Hoa Kỳ.
Áp lực nợ và chi phí vay tăng cao
Trong tuyên bố chính thức, Moody’s nhấn mạnh rằng mặc dù Hoa Kỳ vẫn có những thế mạnh kinh tế và tài chính đáng kể, nhưng “những điểm mạnh này không còn đủ để bù đắp cho sự suy giảm rõ rệt trong các chỉ số tài khóa.” Cơ quan này đặc biệt chỉ trích chính quyền Mỹ và Quốc hội Mỹ vì đã để thâm hụt ngân sách phình to một cách không kiểm soát, mà không có dấu hiệu suy giảm trong tương lai gần.
Hiện tại, mức thâm hụt ngân sách liên bang đang dao động quanh mốc 2.000 tỷ USD mỗi năm – tương đương hơn 6% GDP. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nếu xu hướng này tiếp diễn, nợ công của Mỹ sẽ vượt mốc 107% GDP vào năm 2029 – vượt qua cả thời kỳ sau Thế chiến thứ hai.
Ngay sau thông báo từ Moody’s, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã bật tăng lên mức 4,49%, còn chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 0,6% trong phiên giao dịch sau giờ.
Đây là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang bắt đầu yêu cầu lợi tức cao hơn cho rủi ro tín dụng Mỹ – điều có thể khiến chi phí vay của chính phủ tiếp tục leo thang.
Bà Tracy Chen, Giám đốc danh mục tại Brandywine Global, cảnh báo: “Việc bị hạ tín nhiệm có thể khiến lợi suất trái phiếu tăng lên. Trong bối cảnh vai trò 'tài sản trú ẩn' của đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ đang bị nghi ngờ, phản ứng của thị trường lần này có thể khác so với trước đây.”
Ông Eric Beiley từ Steward Partners nói thêm: “Đây là tín hiệu đỏ. Sau đợt phục hồi mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ có thể chạm trần, và đợt hạ tín nhiệm này có thể là lý do để các nhà đầu tư chốt lời.”
Gánh nặng nợ nần và rủi ro tài khóa dài hạn
Từ sau đại dịch COVID-19, chi tiêu chính phủ tăng vọt trong khi nguồn thu lại không theo kịp. Ngoài ra, kế hoạch gia hạn Đạo luật Cắt giảm Thuế năm 2017 (dưới thời ông Trump) hiện đang được Quốc hội xem xét có thể làm tăng thêm 3.800 tỷ USD vào nợ liên bang trong thập kỷ tới – theo ước tính của Ủy ban Liên hợp về Thuế (JCT). Một số chuyên gia độc lập còn cảnh báo con số thực tế có thể còn cao hơn.
Theo Moody’s, đến năm 2035, thâm hụt ngân sách liên bang có thể tăng lên gần 9% GDP, so với mức 6,4% vào năm 2024. Nguyên nhân chính đến từ chi phí trả lãi nợ ngày càng cao, chi tiêu phúc lợi (Social Security và Medicare) tăng mạnh do dân số già hóa, và hiệu quả thu ngân sách thấp.
Ông Max Gokhman, Phó giám đốc đầu tư tại Franklin Templeton, cảnh báo: “Nếu chi tiêu tài khóa vô trách nhiệm tiếp diễn, chi phí trả nợ sẽ tăng dần, và nhà đầu tư lớn – cả tổ chức lẫn quốc gia – sẽ dần rút khỏi trái phiếu Mỹ. Điều này có thể đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn nữa và gây áp lực giảm giá đồng USD.”
Không còn bất ngờ, nhưng vẫn đáng lo
Khác với cú sốc năm 2011 khi S&P lần đầu hạ bậc tín nhiệm Mỹ, giới đầu tư hiện đã phần nào lường trước rủi ro tài khóa. Dan Greenhaus, chiến lược gia thị trường tại Solus Asset Management, nhận định: “Moody’s không nói điều gì mới. Ai cũng biết thâm hụt thời bình của Mỹ hiện nay là lớn chưa từng thấy.”
Phản đối quyết định này, Joseph Lavorgna – cựu Cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump - nhận định việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm trong lúc Quốc hội đang thảo luận gói luật thuế khổng lồ là “rất kỳ lạ.” Theo ông, tỷ lệ nợ công trên GDP 100% không phải điều hiếm gặp trong các nước công nghiệp, và Mỹ vẫn là “nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khối các quốc gia phát triển với năng suất trên đầu người tốt nhất.”
Tuy vậy, không ít chuyên gia cho rằng hệ lụy dài hạn vẫn rất đáng lo. Ông Michael O’Rourke từ JonesTrading cảnh báo: “Tôi dự đoán thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh để chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây.” Trong khi đó, bà Kim Forrest từ Bokeh Capital cho rằng: “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới đầu tư trái phiếu – nhóm hiểu rõ hơn ai hết những gì đang xảy ra với nợ công Mỹ.”
Dù Moody’s giữ triển vọng “ổn định” sau khi hạ xếp hạng, điều đó không có nghĩa là rủi ro đã được kiểm soát. Trên thực tế, đường hướng tài khóa hiện tại của Mỹ vẫn thiếu sự bền vững, cùng với sự bất định của các chính sách thuế quan gần đây càng làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư vào một môi trường ổn định để giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.