Phân tích - Bình luận

"Cuộc đua" AI Mỹ - Trung bước vào giai đoạn mới

Cẩm Anh 18/05/2025 04:05

Cuộc cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới sâu rộng hơn và không còn giới hạn trong khuôn khổ công nghệ.

thediplomat_2024-11-08-160319.jpg
Cuộc đua AI Mỹ - Trung bước vào giai đoạn mới. Ảnh: The Diplomat

Ba sự kiện diễn ra trong tháng 5/2025 cho thấy cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã chuyển sang một giai đoạn mới, phức tạp và mang tính chiến lược cao hơn.

Đầu tiên là phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ với tiêu đề “Chiến thắng trong cuộc đua AI,” nơi các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại rằng lợi thế của Mỹ trước Trung Quốc đang dần thu hẹp. Tiếp theo là lệnh cấm của Mỹ đối với chip AI Ascend của Huawei. Cuối cùng, Tổng thống Donald Trump vừa có chuyến công du Trung Đông để ký các thỏa thuận lớn về chip AI với các đồng minh trong khu vực.

Những diễn biến này cho thấy cuộc đua AI đã không còn chỉ là câu chuyện về công nghệ, mà đang dần chuyển sang xây dựng các liên minh và thiết lập luật chơi cho cả hệ sinh thái số toàn cầu trong các lĩnh vực như tiêu chuẩn, hạ tầng đến mức độ phổ cập.

Có thể thấy, hiện Mỹ đang lo ngại mất thế chủ động. Tại phiên điều trần ngày 8/5, các lãnh đạo từ OpenAI, Microsoft, CoreWeave và AMD cùng nhận định khoảng cách dẫn đầu của Mỹ với Trung Quốc trong lĩnh vực AI hiện chỉ còn tính bằng vài tháng. Đáng chú ý, mô hình AI DeepSeek của Trung Quốc vẫn đạt hiệu quả đáng kể.

Mỹ vẫn dẫn đầu về đổi mới đột phá, nhưng khả năng triển khai trên diện rộng lại đang gặp khó. Ví dụ, trung tâm dữ liệu 400 megawatt của Microsoft tại Wisconsin bị trì hoãn nhiều năm do vướng quy định môi trường. Trong khi đó, Trung Quốc có thể triển khai cơ sở tương đương chỉ trong vài tháng, nhờ chi phí năng lượng thấp và cơ chế phối hợp tập trung. CEO OpenAI, Sam Altman, nhận định: “Tương lai của AI không chỉ phụ thuộc vào trí thông minh, mà còn phụ thuộc vào điện.”

Bên cạnh đó, chỉ vài giờ sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm hoãn căng thẳng thương mại trong 90 ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng việc sử dụng toàn cầu các chip Ascend của Huawei sẽ bị xem là vi phạm quy định xuất khẩu của Mỹ.

Quyết định này mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu của Mỹ ra phạm vi quốc tế. Dù không bị xem là vi phạm pháp luật tại nước ngoài, những người dùng vi phạm có thể đối mặt với việc mất quyền tiếp cận công nghệ Mỹ hoặc bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại.

Không lâu sau đó, Tổng thống Trump đã đến Trung Đông và đảo ngược một số lệnh cấm thời kỳ ông Biden, đồng ý cung cấp chip hiệu suất cao cho UAE, Saudi Arabia và Qatar. Đổi lại, các nước này cam kết xây dựng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ.

4c7db2ef932ec0f756b13a3dc74ad730.jpg
Phiên bản chip AI Ascend 910C của Huawei

Với lợi thế tài chính và chi phí năng lượng thấp, khu vực Trung Đông đang trở thành phương án thay thế tiềm năng nếu Đông Á xảy ra bất ổn. Dự án hợp tác giữa OpenAI và G42 để phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Ả Rập là ví dụ cho thấy các nước tầm trung đang chuyển từ vai trò quan sát sang tham gia trực tiếp vào cuộc chơi.

Theo các chuyên gia, tuy những sự kiện trên diễn ra riêng lẻ, chúng đều phản ánh một mối quan tâm sâu sắc từ phía Mỹ rằng Trung Quốc không chỉ đang đuổi kịp về hiệu năng AI, mà còn bắt đầu dẫn dắt và định hình luật chơi.

Dù phần cứng là yếu tố quan trọng, cuộc đua AI còn liên quan đến vốn, nhân lực và khả năng nghiên cứu. Một điểm đáng chú ý trong phiên điều trần là lo ngại dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ Mỹ đang gián tiếp chảy vào các startup AI Trung Quốc thông qua các quỹ nước ngoài.

Ngoài ra, việc siết chặt nhập cư và tài trợ nghiên cứu thiếu ổn định đang khiến nhiều nhân tài AI rời Mỹ, chuyển sang các nước thân thiện hơn như Singapore hay Abu Dhabi. Trong khi đó, Trung Quốc đang thu hút ngày càng nhiều nhân tài trở về bằng các chính sách hấp dẫn về danh tiếng, tự do nghiên cứu và tinh thần phục vụ đất nước.

Trường đại học Thanh Hoa với Viện AI do nhà khoa học đoạt giải Turing Andrew Yao dẫn dắt đang trở thành cái nôi đào tạo nhân tài. Chương trình “Yao Ban” kết hợp lý thuyết chặt chẽ với nghiên cứu ứng dụng từ sớm, cung cấp nhân sự cho nhiều startup kỳ lân như Megvii hay Pony.ai.

Hiện tại, Mỹ vẫn dẫn đầu về nghiên cứu cơ bản với số lượng bài báo được trích dẫn nhiều nhất, trong khi Trung Quốc lại vượt trội về số lượng công bố và ứng dụng thực tiễn – chiếm hơn 70% số đơn đăng ký sáng chế AI toàn cầu và triển khai mô hình AI trên nhiều quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai – Con đường.

Theo Tiến sĩ Marina Yue Zhang là phó giáo sư tại Viện Quan hệ Úc-Trung, Đại học Công nghệ Sydney, thế giới đang chứng kiến sự phân cực về công nghệ với chip Ascend 910C của Huawei đánh dấu bước ngoặt khi hiệu năng tương đương sản phẩm Mỹ, có thể vận hành hệ thống lớn như CloudMatrix 384, và đặc biệt phù hợp với các nhiệm vụ AI quy mô lớn nhờ hiệu suất cao trên phần cứng vừa phải.

Bằng cách tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm, Huawei đang xây dựng một giải pháp nội địa thay thế cho nền tảng phương Tây, điều hấp dẫn với những nước bị hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ.

"Cuộc đua AI không còn đơn thuần là cạnh tranh về sản phẩm hay thị trường, mà là cuộc đua giành quyền kiểm soát hạ tầng số toàn cầu. Cơ sở dữ liệu, trung tâm tính toán và tiêu chuẩn phần mềm giờ đây mang tính chiến lược không kém gì chính sách quốc phòng", bà Zhang phân tích.

Chuyên gia này lưu ý thêm, trong ngắn hạn, các đồng minh của Mỹ có thể hưởng lợi từ việc Trung Quốc bị hạn chế công nghệ. Nhưng về lâu dài, Trung Quốc đang phát triển hệ sinh thái AI tự chủ, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Một hệ thống lưỡng cực đang dần hình thành: một bên xoay quanh ARM, NVIDIA và các chuẩn phương Tây; bên còn lại tập hợp quanh Ascend và các kiến trúc thay thế như RISC-V, xây dựng bộ quy chuẩn riêng. Dù các cuộc đối thoại thương mại vẫn nhắc đến hợp tác, thực tế là một cuộc chạy đua về hạ tầng và ảnh hưởng đang diễn ra.

Không có quốc gia nào có thể “thắng trọn vẹn” trong cuộc chiến AI đang nóng lên. Các nước buộc phải lựa chọn không chỉ chip nào sẽ dùng, mà còn theo luật chơi của ai. Từ Australia đến ASEAN, các chính phủ đang chịu áp lực phải nghiêng về một trong hai phía.

Viễn cảnh hợp tác đa cực đang dần nhường chỗ cho một trật tự công nghệ mang tính lưỡng cực cứng rắn. Cuộc đua AI không còn chỉ là ai sáng tạo nhanh hơn, mà là ai đặt ra luật chơi và ai có thể thuyết phục người khác đi theo. Trong quá trình đó, sự phân mảnh về tiêu chuẩn, chi phí gia tăng và không gian trung lập trong quản trị AI đang ngày càng thu hẹp.

Cẩm Anh