Xã hội

Hàng giả hoành hành - đã đến lúc phải “điểm huyệt” trong quản lý

Nguyễn Thu Hà 18/05/2025 00:25

Trong những ngày qua, vấn nạn hàng giả một lần nữa nóng lên khi cơ quan chức năng khởi tố hàng loạt vụ án gây chấn động.

Mới đây nhất, ngày 16/5/2025, Công an Hà Nội đã triệt phá thành công một ổ nhóm sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả và thực phẩm chức năng giả lớn nhất từ trước tới nay, gây rúng động dư luận.

Lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét các địa điểm. Ảnh: CACC
Lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét các địa điểm. Ảnh: CACC

Theo điều tra, từ năm 2020 đến nay, ổ nhóm này đã sản xuất và buôn bán thuốc giả trên quy mô lớn, tiêu thụ qua nhiều hiệu thuốc và bệnh viện trên toàn quốc. Công an Hà Nội đã khám xét khẩn cấp 20 điểm liên quan trên 20 tỉnh thành để thu giữ tang vật.

Trước thực trạng nhức nhối này, ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã yêu cầu thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực Trung ương trực tiếp làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp, khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả đợt tấn công cao điểm.

Nhìn lại thực tế, hàng giả đã là vấn đề gây bức xúc trong suốt nhiều năm qua. Đụng chạm trực tiếp đến đời sống người dân, hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn và niềm tin của xã hội. Từ thực phẩm, dược phẩm đến mỹ phẩm, đồ gia dụng... hầu như không có mặt hàng nào thoát khỏi tầm với của các đối tượng làm giả.

Hàng giả không chỉ phá hoại nền kinh tế quốc dân mà còn thẩm thấu vào cuộc sống người dân, gây ra hệ lụy lâu dài. Không ít vụ án gây chấn động đã phơi bày những thủ đoạn sản xuất hàng giả hết sức tinh vi và quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng, người dân hoang mang, mất niềm tin vào thị trường.

Mặc dù hàng giả đã tồn tại từ lâu, nhưng công tác phòng chống vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Lý do thường được nêu ra là lực lượng quản lý còn mỏng, chức năng chồng chéo giữa các cơ quan, nguồn lực hạn chế và kinh phí không đủ.

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 14/5 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt câu hỏi thẳng thắn: "Tại sao có các cơ quan chức năng nhưng vẫn để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả? Tại sao hàng chục tấn hàng giả tồn tại trong một thời gian dài mà không bị phát hiện?". Đây là những câu hỏi phản ánh sự bất cập trong công tác quản lý, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ hơn.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự buông lỏng quản lý, thậm chí có trường hợp cán bộ tiếp tay cho hành vi vi phạm. Đơn cử, vụ việc nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong và một số cán bộ của cục bị cáo buộc "đồng hành, tiếp tay" cho đường dây sản xuất hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả đã khiến dư luận bàng hoàng.

Những sự việc trên cho thấy, không chỉ cần chấn chỉnh công tác kiểm tra, kiểm soát mà còn phải tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý. Không thể để tồn tại những "vùng tối" trong hệ thống quản lý, nơi mà quyền lực bị lạm dụng để bảo kê cho hàng giả.

Có thể thấy, việc lập tổ công tác đặc biệt và triển khai đợt cao điểm đấu tranh là bước đi cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề chống hàng giả không chỉ dừng lại ở những đợt ra quân, mà cần trở thành công việc thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược tổng thể về phòng chống hàng giả, bao gồm cả công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nhận diện hàng thật - hàng giả. Đồng thời, việc sửa đổi luật pháp theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là hết sức cần thiết.

Sự nghiêm minh của pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để răn đe và triệt tiêu những hành vi phi pháp.

Hàng giả đã, đang và sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế và xã hội. Để cuộc chiến này không trở thành "cuộc chiến không hồi kết", các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Đặc biệt, việc "điểm" đúng những "yếu huyệt" trong quản lý và tăng cường trách nhiệm của cán bộ là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu.

Chỉ khi nào hàng giả bị đẩy lùi một cách bền vững, niềm tin của người dân mới thực sự được khôi phục.

Nguyễn Thu Hà