Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy tín dụng
Không chỉ thuận tiện trong xử lý nợ xấu, với những đề xuất mang tính đột phá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng còn được cho sẽ giúp gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Dự án Luật này được xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc, thể hiện rõ các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thông tin về Dự án Luật, cơ quan soạn thảo cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào việc luật hóa các quy định hiệu quả từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 và điều chỉnh thẩm quyền cho vay đặc biệt.
Trong đó, đối với xử lý nợ xấu, Dự án Luật đề xuất đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng các quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Đồng thời, luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, cũng như luật hoá quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
“Việc luật hóa các quy định này phải được xác định rõ ràng nội dung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Hơn nữa, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay”, cơ quan soạn thảo chia sẻ.

Về cho vay đặc biệt, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo, đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.
Theo cơ quan soạn thảo, việc phân cấp cho NHNN nhằm tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Điều này nhằm triển khai đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Các quy định được sửa đổi sẽ đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển”, cơ quan soạn thảo nêu rõ.
Nhìn nhận về nội dung Dự thảo Luật, không ít ý kiến cho hay, việc bổ sung các cơ chế, chính sách như đề xuất không chỉ thuận tiện trong xử lý nợ xấu, mà còn giúp gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy tín dụng.
Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, việc không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 như quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xử lý nợ xấu. Việc sửa luật lần này là cần thiết để lấp khoảng trống pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu lực thực thi.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, đặc biệt là luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 với điểm mấu chốt, quan trọng nhất là cho phép các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản thế chấp.
Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), đảm bảo tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật khi luật hóa các quy định này với các luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự,…
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ được trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận. Nếu được thông qua, Dự án Luật này được kỳ vọng sẽ tạo nên hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ điểm, gỡ nghẽn thể chế và thúc đẩy tín dụng.