Siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa online
Nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng số.
Thực tế, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến của người dân, khi đó vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng số đang đặt ra yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến nhận định, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Dự thảo) đưa vào nội dung quản lý chất lượng trong thương mại điện tử là một quy định phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương, một trong những tồn tại lớn hiện nay là việc chưa xác định rõ ràng trách nhiệm pháp lý đối với chất lượng sản phẩm được rao bán online. Thực tế cho thấy, hàng giả, hàng nhái, hàng không đạt chuẩn vẫn dễ dàng len lỏi trên các nền tảng số, nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và xử lý triệt để.
"Việc quản lý chất lượng trong lĩnh vực này là yêu cầu phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại, cần được luật hóa cụ thể. Chúng ta cần xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số, từ đó cho phép người tiêu dùng chủ động tra cứu thông tin, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc cảnh báo, hậu kiểm và xử lý vi phạm trên toàn quốc", đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đề xuất cần triển khai kết nối dữ liệu giữa các sàn thương mại điện tử và cơ quan quản lý nhà nước, từ đó đảm bảo khả năng giám sát xuyên suốt, phát hiện sớm rủi ro và truy xuất rõ ràng trách nhiệm đối với từng sản phẩm được giao dịch trực tuyến.
Đồng tình với các đề xuất tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa qua thương mại điện tử, trong bối cảnh số vụ vi phạm tăng đến 266% trong năm 2024 theo báo cáo của Bộ Công Thương, song đại biểu Hoàng Minh Hiếu, ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh cần phân định rõ ranh giới trách nhiệm.
“Theo tôi, sàn thương mại điện tử không có đủ năng lực và thẩm quyền để xác minh nguồn gốc hàng hóa. Họ chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin theo luật, chứ không thể giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh quy định cho phù hợp, tránh yêu cầu vượt quá khả năng kỹ thuật và pháp lý của các nền tảng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ.

Liên quan tới nội dung này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhận định, nhiều nội dung tại Dự thảo vẫn chưa cụ thể, thiếu chế tài đi kèm, trong khi thực tiễn đang đặt ra nhiều thách thức.
Đại biểu đề nghị, cần có những quy định để ràng buộc nghĩa vụ của các sàn trong việc kiểm tra điều kiện pháp lý về chất lượng, như công bố hợp chuẩn, hợp quy trước khi cho sản phẩm hiển thị trên các gian hàng, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử cố tình tiếp tay không gỡ bỏ sản phẩm kém chất lượng sau cảnh báo và yêu cầu trách nhiệm hậu kiểm định kỳ đối với người bán hàng online, gồm cung cấp mã số công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với hàng hóa nhóm 2; công bố công khai nguồn gốc xuất xứ chứng nhận chất lượng nếu có yêu cầu và xử phạt vi phạm hành chính nếu không tuân thủ quy định về chất lượng.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về những khoảng trống trong kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa hiện nay, đặc biệt là sau khi một số bộ ngành kết thúc mô hình thanh tra chuyên ngành theo chủ trương tinh gọn bộ máy, hiện Dự thảo chưa làm rõ nội dung này. Sự thiếu vắng lực lượng chuyên trách đang khiến việc chất lượng hàng hóa, sản phẩm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, đặc biệt ở nhóm sản phẩm liên ngành như thực phẩm chức năng, đồ dùng trẻ em... gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, Dự thảo cần xác lập rõ Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chủ trì, thống nhất hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa trên toàn quốc. Đồng thời, làm rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương sau khi đã xóa bỏ thanh tra chuyên ngành, tránh tình trạng “đẩy trách nhiệm” hoặc kiểm tra chồng chéo, thiếu hiệu quả.
“Đặc biệt, bổ sung quy định cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã, phường chủ động kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, cần cho phép chính quyền địa phương thực hiện một số chức năng cơ bản như lập biên bản, cảnh báo hàng hóa vi phạm chất lượng, tăng cường phối hợp giữa quản lý thị trường và chính quyền địa phương trong giám sát chợ, trung tâm thương mại, làng nghề…”, đại biểu Tú Anh kiến nghị.