Kinh tế

Quan điểm của Bác về kinh tế tự lực, tự cường và bài học cho doanh nghiệp

Đình Đại 19/05/2025 05:00

Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động khó lường như hiện nay, tư tưởng về kinh tế tự lực, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bài học quý giá để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trước hết, để hiểu tư tưởng kinh tế tự lực, tự cường của Bác, chúng ta cần hiểu rõ hơn về “tự lực”, “tự cường”. Theo đó, hiểu theo nghĩa gốc, "tự lực" có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác; "tự cường" có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác, thường được dùng với nghĩa dành cho tổ chức, dân tộc, đất nước. Nói cách khác, “tự lực, tự cường” là tự mình lo công việc của mình, gây dựng sức mạnh cho mình, không lệ thuộc, không phụ thuộc không ỷ lại, ngồi chờ.

kinhte(1).jpg

Tự lực, tự cường, xây dựng tiềm lực trong nước

Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Tự lực và tự cường có thể đồng thời biểu thị ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức và quốc gia, dân tộc. Trong đó, sự tự lực và tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành sự tự lực và tự cường của tập thể, đất nước, dân tộc.

Quan điểm phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Theo Bác, hợp tác kinh tế quốc tế bao gồm những nội dung rất rộng, phải định hướng và tuân thủ các nguyên tắc nhất định.

Trước hết, tự lực, tự cường, xây dựng tiềm lực trong nước là điều kiện để mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Bác đã xác định đúng vị trí và giải quyết chính xác về mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực trong xây dựng và phát triển kinh tế. Nhân tố bên trong, nội lực là chính, là quyết định. Còn nhân tố bên ngoài, ngoại lực là phụ, nhưng lại rất cần thiết và quan trọng.

Độc lập về chính trị chỉ có thể được củng cố vững vàng trên cơ sở một nền kinh tế độc lập tự chủ đáp ứng được các nhu cầu bên trong và đủ sức giao lưu với bên ngoài nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Nếu sản xuất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, phải phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài thì trước sau cũng dẫn đến bị phụ thuộc về chính trị, không bảo vệ được độc lập và chủ quyền dân tộc.

Kim chỉ nam trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế

Quan điểm tự lực, tự cường trong hội nhập cũng đã được thể hiện rất rõ qua đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Tự lực, tự cường không có nghĩa tự cô lập, mà là sự cân bằng giữa tự chủ và hội nhập, tiếp nhận tinh hoa của nhân loại nhưng vận dụng nó sáng tạo với điều kiện hiện tại.

Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đang được đánh giá là có tiềm năng, mức thu nhập bình quân đã có những thay đổi mạnh mẽ và đáng kể nhưng nếu không chú ý sẽ rơi sâu vào bẫy thu nhập trung bình, bẫy gia công. Do đó, chỉ có phát huy nội lực, kết hợp với những cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế, mới có thể có được nền kinh tế phát triển khỏe mạnh và bền vững.

Trong bài viết mới đây nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có những thông điệp đem đến kỳ vọng và sự tự tin cho cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư. "Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường, Việt Nam cần phải có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, không để bị cuốn vào những vòng xoáy địa chính trị hay rơi vào thế bị động trước các xung đột quốc tế. Mỗi khúc quanh của lịch sử thế giới đều có thể trở thành cơ hội hoặc thách thức lớn cho các quốc gia nhỏ nếu chuẩn bị tốt hoặc không tốt nội lực. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường”.

Có thể thấy, tư tưởng về kinh tế tự lực, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những quan điểm cơ bản, vô cùng súc tích và tinh tế về đường lối chiến lược phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tư tưởng của Người không chỉ là kim chỉ nam xuyên suốt trong định hướng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế đất nước của Đảng và Chính phủ, mà còn là bài học quý giá giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trước bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng, cạnh tranh diễn ra trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ áp đặt lên các nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp phải đứng vững bằng chính nội lực của mình

anhhung-1-.jpg
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hội XNK tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Đình Đại.

Là lãnh đạo một Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hội XNK tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát luôn thấm nhuần tư tưởng tự lực, tự cường của Bác trong hoạt động điều hành và phát triển doanh nghiệp. Đối với ông Hưng, tự lực, tự cường là doanh nghiệp phải đứng vững bằng chính nội lực của mình, cùng với những hỗ trợ từ Nhà nước, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.

Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước tiên các doanh nghiệp cần phải phát huy tính tự lực, tự cường trong việc xây dựng chuỗi cung ứng trong nước để cùng nhau liên kết tạo chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải liên kết với các doanh nghiệp FDI để bổ trợ cho những mặt mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu.

Thứ hai, các doanh nghiệp có thể học hỏi phong cách và tư tưởng của Bác về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong mọi hoàn cảnh phải có những giải pháp ứng phó phù hợp. Doanh nghiệp cũng cần phải học đức tính của Bác về "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", để cắt giảm chi phí đầu vào, cân đối để kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đối tác. Đó là 3 trụ cột để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có đối sách phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đặc biệt là liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính những sản phẩm của mình để có thể cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác một cách sòng phẳng và công bằng. Các doanh nghiệp cũng cần có sự cải thiện liên quan đến chuỗi cung ứng xanh, từ nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc xuất xứ …nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của từng sản phẩm.

“Trong bối cảnh thị trường thế giới đang có nhiều biến động từ chính sách tự do chuyển sang những chính sách mang tính bảo hộ, thì đương nhiên là chúng ta phải tìm kiếm những thị trường mới phù hợp với sản phẩm của mình. Hiện tại, Việt Nam đang có lợi thế từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác kinh tế mà chúng ta vẫn chưa tận dụng hết. Do đó, cần phải tận dụng hết những lợi thế với các thị trường mà chúng ta đã ký kết thỏa thuận thương mại, nhằm đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia”, ông Hưng chia sẻ.

Tự lực, tự cường giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

anhvan.jpg
Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture - Ảnh: Đình Đại.

Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture, một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang thị trường Mỹ cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, nhưng đi kèm với đó là những thách thức rất lớn, đặc biệt là vấn đề thuế đối ứng mới của Mỹ hiện nay từ 0% lên 46%. Ông thừa nhận, mặc dù đang trong giai đoạn tạm hoãn chờ đàm phán, nhưng tư tưởng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang rất hoang mang.

Tuy nhiên, ông cho rằng, khi soi rọi vào tư tưởng kinh tế tự lực, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, tự lực, tự cường sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn và trụ vững trước mọi biến động của thời cuộc.

Do đó, doanh nghiệp cần phải phát huy tính tự lực, tự cường của chính mình thông qua việc kiểm tra, nghiên cứu lại từ khâu đào tạo cán bộ, công nhân viên, phải quan tâm đến ứng dụng công nghệ để giảm bớt rủi ro, giảm bớt lãng phí nguồn lực nhằm tăng năng suất, chất lượng; tạo ra những sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn, giá cả cạnh tranh hơn để có thể cạnh tranh với toàn cầu.

Các doanh nghiệp phải tự mình kiểm tra lại hệ thống quản trị của mình, kiểm tra lại sản phẩm cũng như những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình, qua đó phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu. Ông cho rằng, những vấn đề này bản thân các doanh nghiệp phải tự lực, tự cường, phát huy nội lực của doanh nghiệp mình, chứ không trông chờ, ỷ lại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quản trị, phát huy những thế mạnh của doanh nghiệp, chứng minh cho đối tác thấy rằng, những sản phẩm này mình làm rất tốt, và giá trị rất cao. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

“Tại S Furniture, chúng tôi áp dụng triệt để, phát huy hết tài năng của từng cán bộ, công nhân viên, thực hiện đào tạo lại, phát động phong trào cải tiến sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, ứng dụng các công nghệ AI như Chat GPT vào trong quản trị, qua đó, phát triển được nhiều sản phẩm mới. Ngoài ra, khi thuế đối ứng của Mỹ bị áp 10%, chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn với các khách hàng nhập khẩu thông qua việc giảm giá thành sản phẩm, để cùng với đối tác vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.

Đình Đại