Vì sao giá Bitcoin vẫn kẹt dưới mức 105.000 USD/BTC?
Giới chuyên gia phân tích giá Bitcoin bị kẹt dưới 105.000 USD/BTC do thiếu chất xúc tác mạnh, buộc nhà đầu tư phải thận trọng chờ tín hiệu rõ ràng để xác định chiến lược.
Thị trường thiếu chất xúc tác
Giá Bitcoin (BTC) tiếp tục mắc kẹt dưới mức 105.000 USD/BTC trong tuần qua, bất chấp sự ổn định của các chỉ báo kỹ thuật và lực mua vẫn duy trì ở vùng hỗ trợ quanh 100.000 USD. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng động lực rõ ràng để tạo ra sự bứt phá, nhà đầu tư đang đứng trước ngã rẽ chiến lược: tiếp tục nắm giữ, thoát vị thế hay chuẩn bị cho kịch bản tăng giá bất ngờ?

Dữ liệu từ Cointelegraph Markets Pro và sàn giao dịch Bitstamp cho thấy trong suốt bảy ngày qua, giá BTC dao động trong phạm vi hẹp từ 101.500 - 105.000 USD - vùng mà giới phân tích xác định là “mức kháng cự then chốt” hiện tại. Trong bài đăng ngày 16/5 trên nền tảng X, công ty quản lý tài sản tư nhân Swissblock nêu rõ BTC đang kẹt trong phạm vi hẹp từ 101.500–104.000 USD, đồng thời nhấn mạnh rằng Bitcoin bắt đầu bước vào giai đoạn củng cố sau hai lần thất bại trong việc vượt qua ngưỡng 105.000 USD.
Việc thiếu đà bứt phá khiến tâm lý thị trường nghiêng nhẹ về phía bi quan. Theo công ty phân tích dữ liệu Santiment, điều này lại tiềm ẩn một khả năng mang tính nghịch lý: “Thị trường thường có xu hướng biến động ngược lại với kỳ vọng của đám đông, cho thấy khả năng thị trường tiền điện tử tăng giá do nỗi sợ hãi gia tăng này”. Santiment còn bổ sung thêm rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bắt đầu mất kiên nhẫn - một dấu hiệu, xét theo lịch sử, thường đi kèm với các đợt tăng giá bất ngờ.
Có thể thấy giá Bitcoin đạt mức cao nhất trong 14 tuần ở mốc 105.700 USD/BTC vào ngày 12/5, nhưng nhanh chóng bị chặn lại bởi áp lực bán và thiếu lực cầu từ các tổ chức lớn. Dù đã duy trì vững vùng hỗ trợ 100.000 USD hơn một tuần, đà tăng không thể kéo dài nếu không có sự xuất hiện của các tín hiệu vĩ mô tích cực hoặc dòng tiền mới đáng kể. Tính đến tối ngày17/5, Bitcoin chỉ giao dịch quanh vùng 102.900 USD/BTC.
Material Indicators – đơn vị chuyên theo dõi hoạt động sổ lệnh trên sàn giao dịch cho biết các nhóm thanh khoản lớn đang tích tụ phía trên giá giao ngay, tạo thành bức tường kháng cự mạnh mẽ từ vùng 105.000 - 110.000 USD. Dữ liệu sổ lệnh trên Binance cũng xác nhận điều này, rằng dòng tiền lớn chưa có động thái rõ ràng, các lệnh mua lớn ở vùng thấp đã được thiết lập, trong khi lệnh bán vẫn rình rập ở vùng cao. Điều này dẫn tới trạng thái giao dịch giằng co và thiếu đột biến, một hiện tượng quen thuộc khi thị trường không có sự kiện kinh tế hoặc chính trị đủ sức tạo ra cú huých mới.
Các chuyên gia cho rằng một số yếu tố có thể đóng vai trò chất xúc tác trong ngắn hạn gồm: Sự trở lại của dòng vốn tổ chức, nếu các quỹ ETF Bitcoin giao ngay tại Mỹ hoặc châu Âu ghi nhận dòng vốn mạnh trở lại sau thời gian chững lại, đây sẽ là tín hiệu rõ ràng về niềm tin tổ chức. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi kỳ vọng về cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang mờ dần.
Tình hình địa chính trị hoặc kinh tế bất ổn, một cú sốc tài chính như sự kiện vỡ nợ của ngân hàng hay bất ổn địa chính trị lớn, có thể khiến Bitcoin nổi bật trở lại như một kênh trú ẩn giá trị.
Sự điều chỉnh tích cực về khung pháp lý, nếu Mỹ hoặc EU có những động thái rõ ràng trong việc hợp pháp hóa và quản lý thị trường tiền điện tử, điều này có thể khơi thông dòng tiền lớn vào hệ sinh thái tiền mã hóa.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, các yếu tố trên vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thị trường vẫn thiếu một “lý do thuyết phục” để đẩy BTC vượt khỏi trạng thái trì trệ.
Chiến lược nào cho nhà đầu tư?
Thị trường giằng co luôn là bài kiểm tra tâm lý đối với nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới. Tuy nhiên, theo các phân tích kỹ thuật, vẫn có những mốc giá quan trọng cần theo dõi sát sao để định hình chiến lược phù hợp.

Nhà giao dịch Daan Crypto Trades chỉ ra rằng khu vực quanh 93.000 USD là vùng khởi đầu cho đợt biến động gần đây, là vùng hỗ trợ cực kỳ quan trọng cần giữ vững trong trường hợp xảy ra điều chỉnh sâu. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông phân tích: “Bitcoin đang giao dịch cách xa bất kỳ nhóm thanh khoản lớn nào. Giá đã không giao dịch trong một thời gian dài ở đây. Vì vậy, sau đợt siết chặt ban đầu của các lệnh bán khống, không có nhiều vị thế mới được xây dựng xung quanh khu vực này”.
Trong khi đó, Material Indicators cũng cảnh báo về kịch bản giá giảm trong ngắn hạn: Hãy chuẩn bị cho đợt kiểm tra hỗ trợ trong phạm vi 98.000-100.000 USD/BTC, nhưng hãy cẩn thận với tình trạng ép giá và bẫy tăng giá cho đến khi điều đó xảy ra. Ở chiều ngược lại, tín hiệu tích cực đến từ việc đường trung bình động đơn giản (SMA) 50 ngày đang cắt lên trên đường SMA 100 ngày – một chỉ báo truyền thống thường gắn với động lực tăng giá trung hạn. Các chuyên gia của Material Indicators đánh giá đây là “động lực tăng mạnh mẽ cho xu hướng vĩ mô”.
Michael van de Poppe, nhà sáng lập MN Capital cũng nhấn mạnh: “98.000 USD là mức giá quan trọng cần giữ để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng.”
Có thể thấy, giá Bitcoin đang ở trong vùng giao dịch trung lập, không rõ xu hướng và bị kẹt dưới mức 105.000 USD vì thiếu chất xúc tác đủ mạnh để tạo ra đột phá. Trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu lo ngại, các dữ liệu lịch sử lại cho thấy tâm lý bi quan thường đi kèm với giai đoạn chuẩn bị cho tăng trưởng mạnh.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị cho nhà đầu tư chiến lược khôn ngoan lúc này là giữ vững kỷ luật, không vội vàng phản ứng với các dao động giá ngắn hạn và theo dõi sát các mốc kỹ thuật quan trọng: 98.000 USD ở phía dưới và 106.000 USD ở phía trên. Việc chuẩn bị cho cả hai kịch bản điều chỉnh nhẹ trước khi tăng mạnh hoặc phá vỡ thất bại và tiếp tục tích lũy là điều cần thiết. Trong bối cảnh thị trường thiếu động lực rõ ràng, sự kiên nhẫn và quan sát thông minh là những tài sản giá trị nhất mà nhà đầu tư có thể sở hữu.