Bắc Ninh - điểm đến du lịch hội tụ tinh hoa văn hoá
Bắc Ninh - Kinh Bắc nổi tiếng là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Là điểm đến trải nghiệm du lịch mà du khách yêu thích thời gian qua.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp TS Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hoa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, những năm qua Bắc Ninh là một trong những địa phương quan tâm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa - tâm linh, đặc biệt là việc khai thác các di sản văn hóa phi vật thể như: dân ca Quan họ, lễ hội truyền thống, làng nghề và các địa điểm tâm linh nổi tiếng. Các sản phẩm du lịch hiện đang khai thác như: Du lịch văn hóa – tâm linh: Tham quan chùa Dâu, chùa Phật Tích, đền Đô, đền Bà Chúa Kho..., kết hợp với các lễ hội truyền thống như Hội Lim, lễ hội làng Diềm...

Du lịch trải nghiệm – làng nghề: Trải nghiệm làm tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, tham quan làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái... Du lịch Nông nghiệp, sinh thái như: Green farm (Tiên du), Thu Thuỷ (TP. Từ Sơn)...; Du lịch gắn với sự kiện (du lịch MICE): Tổ chức các Tuần Văn hóa Du lịch, Festival Quan họ, Chương trình hát Quan họ trên thuyền, các giải thể thao, hội chợ triển lãm…
Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tâm linh và trải nghiệm đang tạo nên sức hút mới cho du lịch Bắc Ninh, thu hút khách nội địa và quốc tế, trong 2 năm 2024, 2025 tốc độ tăng trưởng lượng khách của Bắc Ninh tăng đến 40%/năm.
Theo định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh ưu tiên phát triển 04 dòng sản phẩm là:
1. Du lịch gắn với Công nghệ sáng tạo: Các sản phẩm kết hợp Dân ca Quan họ Bắc Ninh với công nghệ XR (thực tế mở rộng) theo hướng “Quan họ kể chuyện”. Xây dựng Bảo tàng Quan họ tương tác, dùng AI để du khách "trò chuyện" với liền anh - liền chị xưa;
2. Du lịch gắn với công nghiệp & đô thị thông minh. Tổ chức các tour "Du lịch công nghiệp" tham quan khu công nghiệp tiêu biểu: Yên Phong, VSIP... Kết hợp các workshop trải nghiệm công nghệ cao... Tour các đô thị du lịch văn hoá, sinh thái, đô thị đêm gắn với trình diễn nghệ thuật ánh sáng, công nghê dịch vụ hiện đại. Phát triển mô hình Smart Tourism (bản đồ ảo, hướng dẫn viên ảo, thanh toán không tiền mặt...);
3. Các hoạt động du lịch trải nghiệm chân thực không gian di sản văn hoá làng nghề, làng Quan họ gốc: Nhà cổ, trò chơi dân gian, học hát Dân ca Quan họ, học nghề. Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao - du khách trải nghiệm trồng trọt kết hợp giải trí, nghỉ dưỡng;
4. Du lịch không gian - thời gian: Xây dựng sản phẩm du lịch ban đêm: “Lễ hội đêm Rằm”; phố đi bộ - ẩm thực đêm, trình diễn thời trang, du lịch mùa lễ hội, du lịch nông sản mùa thu hoạch....
Qua đó đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bắc Ninh nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam
TS Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, Bắc Ninh hiện có 1.589 di tích, trong đó 5 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 206 di tích quốc gia, 466 di tích cấp tỉnh; 19 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bắc Ninh còn có 4 di sản được UNESCO ghi danh gồm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngoài ra, còn có 599 lễ hội truyền thống được các cộng đồng dân cư duy trì tổ chức hàng năm; 120 làng nghề thủ công, trong đó 62 làng nghề thủ công truyền thống; gìn giữ và bảo tồn phong phú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Tuồng, chèo, trống quân, múa rối nước, các trò chơi dân gian...

Chú trọng trong công tác bảo tồn
Tự hào thừa kế một nền văn hóa rực rỡ với những di sản vô giá của dân tộc và của cả nhân loại, thời gian qua, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh ý thức rõ trách nhiệm, không ngừng quan tâm đầu tư các nguồn lực để bảo tồn, làm giàu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của quê hương.
Ông Đáp cho biết, Bắc Ninh tiên phong triển khai Đề án số hóa di sản để bảo tồn bền vững kho tàng di sản văn hóa của quê hương, đồng thời hoàn thành Đề án sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu, mở ra cơ hội cho di sản văn hóa Bắc Ninh “hội nhập” trong xã hội hiện đại.
Ngay sau khi được UNESCO vinh danh, tỉnh triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách thiết thực để di sản Dân ca Quan họ có được sức sống mới trong đời sống đương đại. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các cam kết với UNESCO, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên các phương tiện truyền thông; đầu tư tổ chức nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao văn hóa quy mô lớn để quảng bá di sản. Đáng kể như các chương trình Festival “Về miền Quan họ”; tổ chức giao lưu nghệ thuật, kết nối quảng bá di sản Dân ca Quan họ ở trong nước và quốc tế; duy trì tổ chức chương trình hát Quan họ trên thuyền... Công tác sưu tầm, nghiên cứu khoa học về Dân ca Quan họ cũng được tiếp cận đa chiều, góp phần bổ sung, làm giàu giá trị di sản.
Việc truyền dạy Dân ca Quan họ được mở rộng với nhiều hình thức từ hệ thống các cơ sở giáo dục đến cộng đồng dân cư. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế đặc thù (Nhà hát, Nhà chứa Quan họ) và ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, các CLB Quan họ tiêu biểu; khuyến khích sự phát triển của các làng Quan họ thực hành... 44 làng hưởng kinh phí hỗ trợ hoạt động 30 triệu đồng/năm; 150 làng Quan họ thực hành hưởng kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/năm. Đã thực hiện hỗ trợ được 05 năm (2019-2023); Từ năm 2024, hỗ trợ 20tr/năm cho tổng 261 làng QHTH; 18 CLB nghệ thuật trình diễn dân gian.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025; đã trình cấp có thẩm quyền Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”.
Phát huy giá trị di sản văn hoá, đưa du lịch Bắc Ninh vươn tầm trong thời kỳ mới
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đáp cho biết thời gian tới Bắc Ninh phát triển cụ thể một số sản phẩm du lịch văn hoá như:
Sản phẩm du lịch từ các bảo vật Quốc gia: Nghiên cứu sản xuất quà tặng, đồ lưu niệm du lịch lấy ý tưởng mô hình từ các bảo vật Quốc gia. Làm mô hình xây dựng các công trình, biểu tượng văn hóa du lịch phát triển loại hình du lịch check-in, live stream... Xây dựng các chương trình, tuyến du lịch trên cơ sở kết nối các điểm tham quan có bảo vật Quốc gia;
Sản phẩm du lịch từ di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng từ làng Quan họ truyền thống. Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thành một điểm du lịch;
Sản phẩm du lịch phát huy, khai thác từ giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa Rối nước, hát Trống Quân, nghệ thuật Chèo, Tuồng…Xây dựng các chương trình biểu diễn định kỳ, có lịch biểu diễn, thời gian biểu diễn và giá bán cụ thể. Trên cơ sở đó liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng tour du lịch chào bán đến các thị trường khách khác nhau;
Văn hóa ẩm thực: Nghiên cứu phục dựng lại không gian văn hóa ẩm thực làng Quan họ, bước đầu hình thành các gói dịch vụ ẩm thực tại các làng Quan họ hoặc nơi có hoạt động du lịch cộng đồng, tổ chức thí điểm tại khu Diềm, TP Bắc Ninh. Tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch; Nghiên cứu quy hoạch, phát triển các tuyến phố ẩm thực về đêm địa bàn TP Bắc Ninh; Định hướng các công ty lữ hành xây dựng các tour hướng dẫn nghệ thuật, kỹ năng chế biến món ăn đậm nét văn hóa truyền thống, tạo sự mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế;
Thiết kế, sản xuất quà lưu niệm du lịch: Sản xuất sản phẩm quà lưu niệm lấy ý tưởng từ các bảo vật quốc gia. Lựa chọn 2-3 điểm (cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ)/ làng nghề và trung tâm thương mại (hoặc 1 địa phương) để hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; phát triển thành điểm du lịch được cấp chứng nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; Phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch: bản đồ du lịch, biểu trưng liền anh, chị Quan họ, biểu tượng văn hóa Quan họ (được làm bằng các chất liệu gốm, gỗ, đồng, mây tre, pha lê, thủy tinh, áo thun, quạt, nón quai thao…)
Du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng và dịch vụ nghỉ tại nhà dân (Homestay): Đề xuất xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2030, trong đó ưu tiên phát triển tại 04 khu vực gắn với làng nghề, làng nông nghiệp sinh thái…;

Phát triển các công trình, biểu tượng văn hóa du lịch: Quy hoạch tổng thể hệ thống tượng đài, biểu tượng tỉnh Bắc Ninh. Lựa chọn đầu tư một công trình, một biểu tượng văn hóa du lịch để định vị hình ảnh, kèm theo khẩu hiệu để làm điểm nhấn quảng bá điểm đến hấp dẫn cho ngành Du lịch;...

Để khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch tỉnh, thì các sản phẩm du lịch Bắc Ninh gắn với trải nghiệm các giá trị văn hoá truyền thống, cùng với công nghệ hiện đại, thông minh, sáng tạo là hướng đi phù hợp. Ông Đáp nhấn mạnh.