Tài chính số

P2P Lending 2.0 tái định hình lòng tin nhà đầu tư

Diễm Ngọc 19/05/2025 04:19

Theo chuyên gia, đối diện với thực trạng mất niềm tin nghiêm trọng, việc chuyển đổi sang mô hình P2P Lending 2.0 trở thành yêu cầu cấp thiết, với sự minh bạch và chuyên biệt hoá cao hơn.

Cần thiết chuyển dịch từ mô hình 1.0 sang 2.0

Sự ra đời của Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã đánh dấu một bước ngoặt chính sách quan trọng đối với toàn bộ lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam. Đặc biệt, trong đó có sự tác động trực tiếp đến hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), vốn là một phân khúc non trẻ, phát triển “nóng” nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và biến tướng.

p2p.jpg
Thị trường P2P Lending cần một mô hình vận hành mới (mô hình 2.0) với cấu trúc bền vững hơn và sự tham gia sâu sắc hơn từ các nhà đầu tư. Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh đó, việc chuyển dịch từ mô hình P2P Lending 1.0 sang 2.0 được nhìn nhận như một điều tất yếu, không chỉ để phù hợp với hành lang pháp lý mới, mà còn nhằm tái định hình lòng tin nhà đầu tư đang bị xói mòn nghiêm trọng.

Trước đây, thị trường P2P Lending tại Việt Nam phát triển trong trạng thái tự phát, gần như không có khung pháp lý điều chỉnh rõ ràng. Các doanh nghiệp buộc phải vận hành “lách luật” bằng cách đăng ký dưới những ngành nghề khác như dịch vụ cầm đồ, tư vấn đầu tư hay môi giới tài chính. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia Fintech, cố vấn cho nhiều công ty P2P Lending tại Việt Nam đánh giá mô hình P2P Lending nguyên thủy (mô hình 1.0) hoạt động khá đơn giản: kết nối người vay với nhà đầu tư thông qua một công ty/ứng dụng P2P. Tuy nhiên, sự đơn giản trong cấu trúc này lại tạo điều kiện cho hàng loạt rủi ro phát sinh, nhất là khi các chủ thể tham gia thị trường đều thiếu công cụ để đánh giá lẫn nhau một cách minh bạch.

Hệ quả là hàng loạt biến tướng xuất hiện: từ việc mượn danh P2P Lending để lừa đảo, đến việc áp dụng lãi suất “cắt cổ” tương đương tín dụng đen. Nhiều “app đen” ra đời, đánh vào tâm lý vay dễ, giải ngân nhanh nhưng ẩn chứa các điều khoản bất lợi, đẩy người vay vào cảnh nợ chồng nợ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng rơi vào trạng thái thiếu thông tin: không biết người vay là ai, vay làm gì, khả năng trả nợ ra sao. Điều duy nhất họ quan tâm là lãi suất, thường dao động trong khoảng 15-18%/năm, cao hơn nhiều so với các kênh tài chính truyền thống.

Chị Lê Thu Trang, một nhà đầu tư tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Tôi từng đầu tư vào P2P Lending từ năm 2020 mà không quan tâm người vay là ai, chỉ nhìn lãi suất. Giờ tôi không dám đầu tư nếu không biết rõ người vay làm gì...”. Thực tế cho thấy, sự dễ dãi trong tiếp cận và vận hành khiến mô hình 1.0 nhanh chóng bị mất niềm tin. Từ cuối năm 2022, thị trường chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt của các công ty P2P Lending, kéo theo làn sóng rút lui của nhà đầu tư trên diện rộng.

Vị chuyên gia nhìn nhận ngay cả khi Nghị định 94 có hiệu lực, thì việc phục hồi lòng tin cũng không đơn giản. Những tổn thương để lại từ mô hình cũ đòi hỏi không chỉ một khung pháp lý rõ ràng, mà cần cả một mô hình vận hành mới - P2P Lending 2.0 với cấu trúc bền vững hơn và sự tham gia sâu sắc hơn từ các nhà đầu tư.

“Mô hình 2.0 được hình dung không chỉ là sự cải tiến về mặt công nghệ mà còn là một tư duy vận hành mới. Nhà đầu tư không còn đơn thuần nạp tiền và chờ nhận lãi. Họ cần và có quyền được biết người vay là ai, thuộc lĩnh vực nào, rủi ro ra sao. Họ đòi hỏi các công cụ khách quan để thẩm định, đánh giá và theo dõi hiệu quả khoản vay. Mô hình này đòi hỏi các công ty P2P phải đầu tư mạnh hơn vào năng lực thẩm định, đánh giá khách hàng vay cũng như khả năng thu hồi nợ”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Một giải pháp đáng chú ý được ông Nguyễn Minh Hoàng đề xuất là kết hợp yếu tố crowd-funding (gọi vốn cộng đồng) vào mô hình P2P Lending. Điều này giúp cộng đồng cùng chia sẻ gánh nặng, vừa phân tán rủi ro, vừa tăng khả năng gắn kết. Như vậy, thay vì rủi ro dồn vào công ty P2P hoặc từng nhà đầu tư cá nhân, mô hình crowd-funding mở ra khả năng chia sẻ rủi ro theo nhóm, tạo nền tảng vận hành an toàn hơn.

Sự cần thiết của việc chuyển đổi còn được minh chứng rõ qua thực trạng thu hồi nợ trong mô hình cũ. Khi người vay dễ dàng tiếp cận vốn, nhưng lại có rất ít chế tài ràng buộc, thì tình trạng “bùng nợ” trở nên phổ biến. Các hội nhóm trực tuyến hướng dẫn cách vay không trả nợ, thậm chí kiếm lời từ hành vi này, khiến các công ty P2P gần như bất lực. Trong khi đó, họ vẫn phải trả lãi đúng hạn cho nhà đầu tư. Sự mất cân đối giữa quyền và nghĩa vụ này khiến mô hình nhanh chóng sụp đổ khi gặp biến động.

P2P Lending 2.0 giải quyết bài toán đó bằng cách đưa nhà đầu tư vào vai trò giám sát. Một số nhóm nhà đầu tư còn đề xuất được trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định, giới thiệu người vay và hỗ trợ thu hồi nợ. Chính sự tương tác này cùng với sự dẫn đường của Nghị định 94 được xem là chìa khóa để xây dựng lại lòng tin cho nhà đầu tư.

Chuyên môn hóa theo ngành hẹp

Không dừng lại ở việc tăng minh bạch và chia sẻ rủi ro, P2P Lending 2.0 còn được định hướng đi sâu vào từng lĩnh vực chuyên biệt như ngành như y tế (medi-fintech), bất động sản (pro-fintech), giáo dục (edu-fintech), nông nghiệp (agri-fintech)...

vayngay.jpg
Cho vay P2P ở Việt Nam đã từng phát triển nhanh và xuất hiện biến tướng. (Ảnh minh họa)

Lý do là vì khi đi theo ngành hẹp, nhà đầu tư và người vay sẽ hiểu rõ hơn lĩnh vực mà họ tham gia. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng thẩm định mà còn giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi rót vốn vào những lĩnh vực họ nắm rõ. Sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mà dòng tiền đổ vào sẽ tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa nhà đầu tư và người vay - điều mà mô hình 1.0 chưa làm được.

Tuy nhiên, để mô hình 2.0 đi vào thực chất, ông Nguyễn Minh Hoàng khuyến nghị việc triển khai sandbox cần được thực hiện thận trọng. Thứ nhất, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện để tham gia thử nghiệm phải đảm bảo minh bạch và công bằng.

Thứ hai, năng lực giám sát và thực thi của cơ quan quản lý cũng là yếu tố then chốt, bởi nếu buông lỏng, sandbox có thể bị lợi dụng như một hình thức “lách luật” hợp pháp.

Thứ ba, để tránh lặp lại vết xe đổ, việc phổ cập kiến thức tài chính cho người dân là nhiệm vụ cấp thiết. Người dùng cần được trang bị kỹ năng nhận diện rủi ro, phân biệt ứng dụng hợp pháp với tín dụng đen trá hình, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tài chính số chỉ có thể phát triển khi văn hóa sử dụng tài chính cũng trưởng thành tương ứng.

Sự chuyển dịch từ mô hình 1.0 sang mô hình 2.0 với ba trụ cột chính: minh bạch hóa, chuyên môn hóa, và sự tham gia sâu của nhà đầu tư sẽ là nền tảng để P2P Lending trở thành một kênh tài chính số năng động, an toàn và bền vững tại Việt Nam. Sandbox không chỉ là nơi thử nghiệm công nghệ, mà còn là phép thử cho năng lực quản trị, sự trưởng thành của thị trường và khả năng thiết lập niềm tin trong kỷ nguyên tài chính mới.

Diễm Ngọc