Chống hàng giả

Truy xuất nguồn gốc hàng hoá: Sàn TMĐT không thể đứng ngoài cuộc

Gia Linh 19/05/2025 04:00

Hàng hóa trôi nổi vẫn lên sàn dễ dàng, khiến câu hỏi đặt ra là: Ai phải chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc trong mê trận thương mại điện tử hiện nay?

Giữa lúc hệ thống pháp luật vẫn chưa bắt kịp sự phát triển của môi trường số, khoảng trống trách nhiệm đang bị nhiều nền tảng khai thác như một vùng xám để né tránh nghĩa vụ.

Pháp luật hiện hành chưa “chạm” tới nền tảng số

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành quy định rõ: tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, trong môi trường số, nơi mà hàng trăm ngàn đơn vị bán lẻ ký gửi hàng lên nền tảng, còn sàn thương mại điện tử chỉ đóng vai trò “trung gian”… quy định ấy dường như đang bị “treo lơ lửng”.

truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa-san-tmdt-khong-the-dung-ngoai-cuoc-2.jpeg
Xưởng sản xuất mỹ phẩm giả của đối tượng có tên Nguyễn Văn Khánh tại Bắc Giang. Ảnh: CAND

Thực tế cho thấy, hầu hết sàn TMĐT lớn đều không yêu cầu người bán phải cung cấp chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm một cách bắt buộc, đặc biệt là với nhóm hàng hóa không thuộc diện quản lý chuyên ngành. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý khiến hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn có thể “đường hoàng” xuất hiện, thậm chí chạy quảng cáo rầm rộ và giao tận tay người tiêu dùng.

Giới chuyên gia cho rằng, hiện chưa có quy định nào bắt buộc sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc sản phẩm của bên bán. Điều đó vô hình trung khiến người tiêu dùng không còn biết tin vào ai. Dẫn chứng rõ ràng là các sản phẩm chức năng, mỹ phẩm gắn mác nhập khẩu cao cấp, dù không có số đăng ký lưu hành hay công bố hợp quy, vẫn xuất hiện nhan nhản.

Từ góc độ pháp lý, một số chuyên gia nhận định, việc sàn TMĐT “né tránh” trách nhiệm truy xuất có thể xuất phát từ quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP (về TMĐT), vốn coi sàn chỉ là nơi cung cấp dịch vụ nền tảng. Tuy nhiên, với vai trò kiểm duyệt gian hàng, can thiệp vào chính sách giá, thậm chí phân phối kho vận, rõ ràng sàn TMĐT ngày nay không còn là “người đứng ngoài cuộc”.

Nếu không truy xuất được, trách nhiệm thuộc về ai?

Một trong những hệ quả lớn nhất của việc thiếu cơ chế truy xuất nguồn gốc là niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn nghiêm trọng. Trong khi hàng hóa ngoài siêu thị buộc phải niêm yết tem truy xuất, mã QR và chứng từ kiểm nghiệm, thì hàng trên mạng chỉ cần vài bức ảnh, vài dòng mô tả “sáo rỗng” là có thể rao bán.

Đáng chú ý, khi xảy ra sự cố, sàn thường viện dẫn chính sách “người bán chịu trách nhiệm” để né tránh. Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như không có khả năng liên hệ, xác minh hay khởi kiện những chủ thể ẩn danh sau các gian hàng ảo. Trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi truy tìm tung tích người bán, do thông tin đăng ký không đầy đủ hoặc sử dụng giấy tờ giả.

truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa-san-tmdt-khong-the-dung-ngoai-cuoc-3.jpg
Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang làm việc với đối tượng Nguyễn Văn Khánh tại xưởng sản xuất. Ảnh: CAND

Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật Hà Việt cho biết: “Khoản 2 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa xác định rõ trách nhiệm truy xuất thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nếu nền tảng thương mại điện tử tham gia quá trình phân phối, kiểm duyệt và thụ hưởng doanh thu từ việc bán hàng, thì có thể xem là một chủ thể trong chuỗi cung ứng, không thể miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm pháp lý”.

Do vậy, luật sư Luân cho rằng cần sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 52, để gắn trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc hàng hóa cho các sàn TMĐT, nhất là với các mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc tập trung, nơi doanh nghiệp phải khai báo, đối chiếu thông tin sản phẩm và sàn có nghĩa vụ kết nối, xác thực.

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chuyên gia cho biết, hiện nay một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đã bắt buộc nền tảng TMĐT phải chịu liên đới trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm về chất lượng hàng hóa. Đây là bài học đáng lưu ý cho Việt Nam, khi TMĐT đang phát triển quá nhanh, nhưng cơ chế kiểm soát còn quá mỏng.

Thực tiễn cho thấy, việc truy xuất nguồn gốc không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại số. Nếu trách nhiệm cứ bị “đá bóng” giữa người bán và sàn, thì sẽ không ai là người chịu hậu quả khi xảy ra gian lận, hàng giả hoặc ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Việc giao nhiệm vụ truy xuất cho các sàn TMĐT cần được xem xét kỹ lưỡng, có thể theo hướng phân loại nhóm hàng hóa. Với các mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mệnh, cần yêu cầu nền tảng kiểm tra giấy tờ, chứng từ hợp pháp trước khi cho phép đăng bán. Đồng thời, tăng chế tài xử phạt khi sàn buông lỏng quản lý, tiếp tay cho hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Bởi trong bối cảnh hậu kiểm còn yếu, việc để hàng hóa tự do “lên sàn” mà không ai xác thực cũng chính là cách mở cửa cho rủi ro xâm nhập từng bữa ăn, viên thuốc, thỏi son của người dân.

Gia Linh