Nghị quyết 68: Thể chế dẫn dắt kinh tế tư nhân tăng trưởng xứng tầm
Nghị quyết 68 thay đổi cả tư duy, thái độ, quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Đảng đặt kinh tế tư nhân vào đúng vai trò, vị trí xứng đáng.
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về việc tạo động lực tăng trưởng mới. Đây là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tháo gỡ những vướng mắc kéo dài trong hệ thống chính sách và tư duy quản lý, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả và bền vững.
PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Nghị quyết 68 thay đổi cả tư duy, thái độ, quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Đảng đặt kinh tế tư nhân vào đúng vai trò, vị trí xứng đáng.

PGS TS Trần Đình Thiên cho rằng, trước đây cải cách chủ yếu theo hướng “xin – cho”, từ dưới lên, nên thường không triệt để, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, rất khó để giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo của khu vực tư nhân, vốn đang được xem là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế.
"Một trong những đột phá trong Nghị quyết 68-NQ/TW được cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi là hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp." - TS Trần Đình Thiên phân tích.
Với tư duy thay đổi, theo TS Trần Đình Thiên, cần hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia và vươn tầm khu vực, thế giới; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng.
Cụ thể với đất đai, Nghị quyết 68 dành đất cho kinh tế tư nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… với thủ tục, điều kiện cụ thể, rõ ràng theo hướng tạo thuận lợi nhất.
Về nguồn vốn, nhà nước có thể hỗ trợ theo nhiều phương thức như lập quỹ bảo lãnh cho kinh tế tư nhân, hỗ trợ lãi suất, nới các điều kiện vay.
“Phải tháo bỏ cơ chế xin-cho để kinh tế tư nhân có thể tiếp cận với các nguồn lực phát triển bình đẳng sòng phẳng”, PGS TS Thiên nhận định.