Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Nghị quyết về nhà ở xã hội: Đề xuất mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 19/05/2025 04:30

Tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, một số ý kiến đề xuất mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, trình bày về nội dung Dự thảo Nghị quyết, cơ quan soạn thảo cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

nha-o-xa-hoi-18.5.1.jpg
Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất cho phép Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê theo quy định tại của Luật Đầu tư công.

Cũng theo Dự thảo, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất do thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thì Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư số tiền chủ đầu tư đã chi trả để thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà nước giao, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mà chủ đầu tư đã tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính phải nộp cho Nhà nước.

nha-o-xa-hoi-18.5.2.jpg
Góp ý Dự thảo Luật, một số ý kiến đề xuất mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng - Ảnh minh họa

Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội...

Nhìn nhận về một số nội dung đề xuất tại Dự thảo, một số ý kiến đề xuất mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng.

Cụ thể, tại văn bản góp ý và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, việc các cơ quan chức năng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo nghị quyết, đặc biệt là quy định mới về Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ có chức năng đầu tư, xây dựng và tạo lập quỹ nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê mua, thuê - Đây là điểm mới so với các Dự thảo trước, thể hiện rõ mục tiêu hỗ trợ nhiều đối tượng chính sách, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Tuy nhiên, để chính sách có thể đi vào thực tiễn, HoREA đề xuất, mở rộng đối tượng thụ hưởng; tháo gỡ thủ tục nghiệm thu; điều chỉnh cách xác định giá bán – thuê nhà ở xã hội…

Cụ thể, về bổ sung nhóm người thu nhập trung bình thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện xếp vào nhóm đối tượng áp dụng của Nghị quyết.

HoREA kiến nghị, bổ sung "nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê" vào Điều 2 trong Dự thảo Nghị quyết về đối tượng áp dụng để bao gồm đầy đủ các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội và để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

“Việc bổ sung nhóm cán bộ, công chức, viên chức vào đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là bước đi hợp lý, tạo cơ sở để sau này Chính phủ ban hành các hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai các chương trình nhà ở cho nhóm đối tượng này tương tự như các cơ chế đã áp dụng đối với lực lượng vũ trang nhân dân trong Luật Nhà ở hiện hành”, HoREA bày tỏ.

Theo HoREA, riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 60.000 cá nhân đang kinh doanh phòng trọ dài hạn, với hơn 560.000 phòng phục vụ cho 1,4 triệu người. Nếu Dự thảo bổ sung quy định công nhận loại hình phòng trọ cho thuê lâu dài là một hình thức nhà ở xã hội do cá nhân đầu tư, thì nhóm này có thể tiếp cận vốn tín dụng từ Quỹ Nhà ở quốc gia, mở ra một hướng phát triển linh hoạt, tận dụng được nguồn lực.

Vì vậy, HoREA đề xuất cho phép chủ đầu tư được tự nghiệm thu công trình nhà ở xã hội, thay vì bắt buộc phải có sự kiểm tra của cơ quan Nhà nước trước khi đưa vào sử dụng.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm pháp lý về việc nghiệm thu công trình. Cơ quan Nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra khi có yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan có thẩm quyền.

“Cơ chế tự nghiệm thu từng được quy định tại Luật Xây dựng năm 2003, dựa trên nguyên tắc các bên tham gia xây dựng (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế) sẽ tự chịu trách nhiệm nghiệm thu theo hợp đồng và pháp luật, còn cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm khi cần thiết. Đây là cách làm phù hợp với xu hướng hiện đại hóa quản lý đầu tư xây dựng, không làm “phình to” bộ máy kiểm soát nhà nước, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch”, HoREA dẫn chứng.

Được biết, xoay quanh nội dung đã nêu, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn