Quảng Ninh: Lan tỏa hành động ý nghĩa theo gương Bác
Với quyết tâm chính trị cao, toàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang hiện thực hóa việc học tập và làm theo Bác bằng những mô hình thiết thực.
Từ đó, góp phần tạo sức bật trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng hạnh phúc.
Vinh dự 9 lần đón Bác
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến chia sẻ: Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc, là “phên giậu” của Tổ Quốc, vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Quảng Ninh tự hào là vùng đất do Bác Hồ đặt tên, vinh dự 9 lần được đón Bác về thăm, trong đó huyện đảo Cô tô là nơi duy nhất được Bác cho phép xây dựng tượng đài lúc Người còn sống trở thành điểm mốc thiêng liêng với lời dạy: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”.
.jpg)
Mỗi bước chân Bác đi, mỗi nơi Bác đến, mỗi địa danh Bác qua luôn in đậm trong sâu thẳm tâm hồn Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Di sản Người để lại cho quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vô cùng quý báu, tư tưởng, phong cách, niềm tin, lời căn dặn, chỉ dẫn của Người, cùng hệ thống di tích, công trình và địa điểm lưu niệm trong toàn Tỉnh như minh chứng cho hôm nay và các thế hệ mai sau về tình cảm của Người dành cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng. Những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Người là nguồn động viên mạnh mẽ đối với Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Những chỉ dẫn của Người đã trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của tỉnh, trở thành phương châm hành động, động lực to lớn, thôi thúc tỉnh Quảng Ninh không ngừng đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển và phồn vinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất – suốt cuộc đời đã cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Trong trái tim bao la của Người luôn dành chỗ cho tất cả đồng bào trên mọi miền đất nước, và trong tấm lòng thương yêu rộng lớn ấy, Nhân dân các dân tộc Quảng Ninh luôn có một vị trí đặc biệt.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã 9 lần về thăm Quảng Ninh. Ngay từ lần đầu tiên vào năm 1946 - giai đoạn đất nước còn bộn bề sau Cách mạng Tháng Tám, Bác đã về Hòn Gai để kiểm tra tình hình và động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng mỏ. Những năm sau đó, dù công việc bận rộn, Người vẫn dành thời gian để trở lại mảnh đất này, gặp gỡ công nhân ngành than, thăm hỏi bà con các dân tộc, căn dặn về nhiệm vụ phát triển sản xuất, giữ vững địa bàn, tăng cường đoàn kết.
Đặc biệt, trong lần thăm mỏ than Hà Tu năm 1957, Bác đã trực tiếp xuống hầm mỏ, chia sẻ với công nhân từng giọt mồ hôi vất vả. Người căn dặn: “Ngành than phải làm cho than sạch hơn, nhiều hơn và an toàn hơn”. Lời dặn ấy không chỉ là yêu cầu về kỹ thuật, mà còn là bài học sâu sắc về tinh thần trách nhiệm, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp và tính chiến lược cho ngành công nghiệp còn non trẻ của đất nước.
Không chỉ quan tâm đến công nhân, Bác Hồ còn dành sự yêu thương và chăm lo đặc biệt cho đồng bào các dân tộc. Trong những lần đến thăm các huyện miền núi như Tiên Yên, Bình Liêu,.. Bác luôn căn dặn cấp ủy, chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, phát triển giáo dục, y tế, giao thông,…Người từng nói: “Đồng bào Kinh hay Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu… đều là con Lạc cháu Hồng, cùng chung một cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
.jpg)
Lời Bác đã khơi dậy khát vọng phát triển
Ngày nay, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành “ngọn lửa” soi đường, thấm sâu nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Không chỉ là khẩu hiệu, tinh thần học Bác, làm theo Bác đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim, là kim chỉ nam trong từng việc làm cụ thể, từng mô hình, công việc hằng ngày. Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Người, Đảng bộ và
Quảng Ninh hôm nay đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động hàng đầu cả nước, giữ vững vai trò là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, với nhiều thành tựu nổi bật: Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt khoảng 10%/năm, gấp 1,7 lần so với bình quân chung cả nước.
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2025 ước đạt 395.000 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2020; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Quảng Ninh thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế.
Quảng Ninh tự hào là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành phong trào thi đua thường xuyên, song hành với các phong trào khác của tỉnh. Hằng năm, các mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu được thẩm định, đánh giá và khen thưởng, tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến học và làm theo Bác được các cấp ủy đặc biệt quan tâm. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã được nhân rộng trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ việc đăng ký mô hình, điển hình, các cơ quan, đơn vị đã xác định rõ nhiệm vụ và đăng ký các mô hình phù hợp với đặc điểm thực tế.
Nhờ đó, những năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, tỉnh Quảng Ninh luôn duy trì được sự phát triển ổn định, bền vững. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt trên 347.500 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 10.272 USD, năng suất lao động xã hội đạt 513,2 triệu đồng/người...
Những kết quả toàn diện và sự chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, phát triển KT-XH của tỉnh là minh chứng sinh động, rõ nét nhất của việc học và làm theo Bác.
.jpg)
Đại diện Đảng uỷ Than Quảng Ninh cho biết: Với mô hình “Học và làm theo Bác” thực hiện chủ trương mỗi đảng viên đều có ít nhất một sáng kiến áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả của chi bộ phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ, công ty Cổ phần Than Hà Lầm; từ năm 2021 đến 2024 đã có trên 160 sáng kiến, trong đó sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ CGH 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao”, giá trị làm lợi 33 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng Lao động sáng tạo...
Ông Nguyễn Hồng Dương - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, khẳng định: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng bộ tỉnh thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị cao nhất, trở thành công việc thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, các mô hình đã lan tỏa mạnh mẽ những giá trị đạo đức cao đẹp, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, nghĩa tình và phát triển bền vững. Từ hiệu quả thực tiễn ấy, việc tiếp tục nhân rộng, phát triển các mô hình học và làm theo Bác trên toàn tỉnh là yêu cầu tất yếu để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành kim chỉ nam trong mọi hành động, từng bước khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực trong mỗi con người, mỗi địa phương trên hành trình xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.