Kinh tế thế giới

Tiêu dùng Trung Quốc giảm bất chấp căng thẳng thương mại "hạ nhiệt"

Nam Trần 20/05/2025 03:09

Sản xuất công nghiệp Trung Quốc tăng mạnh tháng 4 nhưng tiêu dùng lại suy yếu cho thấy nhiều thách thức dù căng thẳng thương mại với Mỹ đã tạm "hạ nhiệt".

Các quốc gia mới nổi phải tìm hướng đi trong thương mại nội khối hoặc các thị trường khác ngoài Mỹ và Trung Quốc
Sản xuất của Trung Quốc gia tăng nhưng chi tiêu sụt giảm trong tháng 4 năm 2025

Sản xuất tăng nhưng chi tiêu gây thất vọng

Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này đã chậm lại so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với dự báo trung bình của các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ – chỉ số quan trọng phản ánh tiêu dùng – chỉ đạt 5,1%, thấp hơn mức dự đoán và giảm so với tháng 3. Điều này cho thấy, mặc dù khu vực sản xuất của Trung Quốc vẫn duy trì được sức bật, nhưng nhu cầu tiêu dùng yếu kém vẫn là điểm nghẽn lớn, báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2025 và xác định kích cầu tiêu dùng trong nước là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, sự phục hồi của tiêu dùng đang bị cản trở bởi nhiều yếu tố: cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, áp lực giảm phát, nỗi lo thất nghiệp và tâm lý không chắc chắn về tương lai. Những yếu tố này khiến người dân dè dặt hơn trong việc chi tiêu.

Ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng Chi nhánh Trung Quốc của Ngân hàng ANZ, nhận định: “Con số sản xuất công nghiệp sáng sủa chỉ phản ánh một phần của nền kinh tế Trung Quốc. Số liệu bán lẻ tháng 4 cho thấy người dân chưa sẵn sàng chi tiêu. Để đạt được mức tăng trưởng GDP 5%, Trung Quốc vẫn cần tiêu dùng mạnh mẽ hơn.”

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị tháng 4 giảm nhẹ còn 5,1%. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chỉ đạt 4% trong bốn tháng đầu năm, chậm lại so với giai đoạn trước. Giá nhà mới tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4.

Trên thị trường tài chính, đồng nhân dân tệ gần như không biến động sau khi số liệu được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ, trong khi các chỉ số chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông phục hồi sau mức giảm đầu phiên.

Tạm hoãn thuế chưa đủ sức kích thích kinh tế

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc vừa đạt thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày, nhưng bức tranh kinh tế vẫn cho thấy sự thận trọng của các doanh nghiệp khi quyết định mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới.

Số liệu tháng 4 cho thấy rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã thích nghi nhanh chóng để tránh cú sốc lớn do leo thang căng thẳng thương mại, ví dụ bằng cách chuyển hướng xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Âu khi xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh.

Kết quả đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tạo khoảng lặng 90 ngày cho hai bên giảm nhiệt thương chiến
Kết quả đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tạo khoảng lặng 90 ngày cho hai bên giảm nhiệt thương chiến

Một số ngân hàng lớn quốc tế như Goldman Sachs vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025, dù vẫn thấp hơn mục tiêu của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia dự đoán việc tạm ngừng áp thuế giúp chính phủ Trung Quốc có thêm thời gian trước khi phải tung ra thêm các gói kích thích kinh tế quy mô lớn.

Citigroup cho rằng, thỏa thuận với Mỹ giúp giảm bớt bất ổn về thuế quan, trong khi các nhà hoạch định chính sách trong nước có thể tạm thời chuyển sang “chế độ quan sát”.

Một xu hướng đáng chú ý là người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang tích trữ tiền gửi tiết kiệm, thay vì chi tiêu, theo báo cáo của Citi dựa trên số liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Điều này cho thấy tâm lý phòng thủ vẫn chiếm ưu thế do lo ngại về tình hình bất động sản và nguy cơ mất việc trong các ngành xuất khẩu, sản xuất lớn.

Mặc dù chương trình trợ giá của chính phủ cho các mặt hàng tiêu dùng đã giúp doanh số đồ điện gia dụng, thiết bị viễn thông và nội thất tăng mạnh trong tháng 4, nhưng mua xe hơi – chiếm gần 10% tổng doanh số bán lẻ – chỉ tăng chưa đến 1%, giảm mạnh so với mức 5,5% của tháng 3.

Chuyên gia Lynn Song, Chuyên gia kinh tế trưởng Chi nhánh Trung Quốc của ING, nhận định: “Các biện pháp như chính sách đổi mới hàng cũ có thể hỗ trợ tiêu dùng ngắn hạn, nhưng để phục hồi bền vững, cần cải thiện tâm lý người tiêu dùng, qua đó đòi hỏi ổn định giá tài sản và tăng trưởng lương.”

Nam Trần