Khẳng định thương hiệu khởi nghiệp Quảng Nam
Dù đi sau nhưng phong trào khởi nghiệp Quảng Nam đã lan rộng khắp, được xác định ở vị trí Top 1 miền Trung – Tây Nguyên, khẳng định được thương hiệu.
Tại Quảng Nam, hoạt động khoa học, công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thời gian qua bám sát chiến lược phát triển của tỉnh và ngày càng sát yêu cầu thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, bền vững
Quảng Nam khởi động vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp chính thức vào năm 2017, xác định hành trình hỗ trợ chủ thể khởi nghiệp trên toàn địa bàn. Đến năm 2020, địa phương này đã định vị giá trị “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”, hình thành nguồn cảm hứng, lan tỏa mạnh mẽ cho cộng đồng startup và thu hút sự quan tâm của các cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế.

Với tư duy mở cùng truyền thống canh tân, Quảng Nam đã định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và bền vững, đầy đủ các giá trị cốt lõi của GEM. Dù là địa phương đi sau tuy nhiên Quảng Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong thời gian rất ngắn.
Cụ thể, sau 2 năm “mở lối” slogan “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”, đến năm 2022 Quảng Nam đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, đặc biệt là có chỉ tiêu vượt rất cao. Đặc biệt, Quảng Nam cũng là địa phương tổ chức sự kiện Techfest quy mô lớn nhất nước, quy tụ nhiều gian hàng và kết nối được nhiều địa phương bạn đến tham gia.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, Trưởng ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã chủ động tổ chức học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp, đô thị thông minh tại Israel. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ trước đó cũng đã có đề nghị Quảng Nam khởi xướng và chủ trì phát triển Mạng lưới khởi nghiệp miền Trung - Tây Nguyên.
“Tại Techfest Quảng Nam, nhiều đại sứ quán, doanh nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu từ các quốc gia như Israel, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ đã tham dự các diễn đàn khởi nghiệp, kết nối thương mại toàn cầu,... mở ra cơ hội bước đầu liên kết hệ sinh thái mở và tăng nhanh sản phẩm khởi nghiệp địa phương”, ông Phạm Ngọc Sinh cho hay.
Không chỉ vậy, phong trào khởi nghiệp ở từng địa phương cấp thành phố, huyện, thị xã cũng lan rộng khắp. Mỗi địa phương đều “khai sinh” một hội khởi nghiệp quy tụ hàng trăm thành viên, liên kết với nhau để cùng quảng bá, tiêu thụ, hỗ trợ nhau.
Đúc kết kinh nghiệm qua từng giai đoạn
Để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, bền vững như ngày hôm nay, Quảng Nam đã đúc kết kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, tư duy liên kết và chia sẻ nguồn lực, thương mại toàn cầu được “hóa thân”,... Từ đây, các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương nỗ lực hết mình để hỗ trợ các chủ thể, dự án hoàn thiện, phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Có thể kể đến các dự án khởi nghiệp “rạng danh” như dự án GreenTech Việt Nam của Nguyễn Quốc Vương (Đại Lộc) - Quán quân khởi nghiệp quốc gia thứ 21 (năm 2023) lọt vào tốp 3 Vòng chung kết EWC 2024 khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính thức lọt vào tốp 250 của cuộc thi Cúp khởi nghiệp toàn cầu (EWC). Ngoài ra còn có các dự án Kolavina Saponin của Hồng Sanh (Đại học Quảng Nam) lọt vào tốp chung kết Cuộc thi SBC toàn cầu do Đại học Hec Montreal Canada tổ chức và dự án bánh “Bà Ba Hội” (Tam Kỳ) mạnh dạn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada,...
Trong suốt quá trình hỗ trợ cộng đồng startup, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn thể hiện quyết tâm cao nhất để các dự án đứng vững trên thị trường. Từ ở quy mô địa phương sở tại đến các tỉnh bạn, chính quyền Quảng Nam hỗ trợ cả kinh phí, thủ tục, kết nối,... để sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận thị trường. Từ nhiều sự kiện, các startup tìm kiếm được đối tác, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.
Để nay, đã có nhiều sản phẩm tiếp cận được với các thị trường xa như TP. HCM, Hà Nội,... hay cả ra các thị trường quốc tế. Đây được ví như “quả ngọt” cho mọi nỗ lực của chính quyền địa phương cùng với cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan như Ban Điều hành, Sở Khoa học và Công nghệ và đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh,... thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, định kỳ tổ chức ký kết chương trình hợp tác khung đến năm 2025 và các chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể với các cơ quan chuyên môn trong cả nước để tổ chức các hoạt động liên quan xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho hay tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ đến cộng đồng startup bằng hành động hỗ trợ cụ thể, bằng chính sách thiết thực. Vị này cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã chú trọng triển khai chương trình phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp cả nước nhằm huy động lực lượng và một phần xã hội hóa kinh phí cùng nhà nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngay từ khi vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp.
“Từ đây, các chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp thêm động lực đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Cộng đồng khởi nghiệp thời gian qua cũng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà”, ông Lê Văn Dũng nhìn nhận.