Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đấu thầu: Trao quyền tự chủ nhưng phải có cơ chế kiểm soát

Yến Nhung 20/05/2025 04:00

Luật Đấu thầu sửa đổi đề xuất mở rộng quyền tự quyết cho doanh nghiệp, song đi kèm là yêu cầu minh bạch, trách nhiệm và cơ chế giám sát chặt chẽ hơn.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật (Dự thảo), việc sửa đổi Luật Đấu thầu đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp khi đề xuất hàng loạt quy định mới nhằm tăng cường quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; cũng như ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ và sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

08_zrre.jpg
Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi (Dự thảo) đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: ITN

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc bổ sung, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, quan trọng, cấp bách.

Đối với hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Dự thảo nêu rõ, nếu không sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Các hoạt động mua sắm, thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cũng được quy định thông thoáng, linh hoạt hơn.

Chia sẻ về những điểm mới trong Dự thảo, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo lần này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lập pháp, khi trao quyền tự chủ lớn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, doanh nghiệp được quyền tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và có trách nhiệm giải trình.

“Dự thảo lần này không chỉ đơn thuần là sửa đổi kỹ thuật mà là sự điều chỉnh lớn về tư duy điều hành và quản trị công - chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý chi tiết sang quản lý theo nguyên tắc. Đây là điều kiện để doanh nghiệp được trao quyền nhiều hơn, đồng thời cũng phải nâng cao trách nhiệm tương xứng”, bà Vũ Quỳnh Lê cũng nhấn mạnh.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được tự quyết định hoạt động đấu thầu đối với việc mua sắm thường xuyên, phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả. Đối với trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần áp dụng Luật Đấu thầu; đồng thời đề nghị rà soát nội dung bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc tại Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang được sửa đổi.

Đồng thời đánh giá, Dự thảo bổ sung quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cũng cảnh báo nguy cơ dẫn đến phát sinh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho doanh nghiệp thân hữu… Do đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động.

Cũng đánh giá cao quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định mua sắm trong một số trường hợp, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đại biểu Đào Chí Nghĩa, ĐBQH TP Cần Thơ cho rằng, quy định này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn triển khai các nhiệm vụ nói trên, nhất là khi không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc Dự thảo chỉ yêu cầu các đơn vị "bảo đảm đầy đủ chứng từ, hóa đơn" nhưng lại chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra là chưa đủ chặt chẽ. Điều này có thể tạo kẽ hở cho tình trạng lạm dụng, thiếu minh bạch hoặc thất thoát.

“Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế giám sát và kiểm tra đối với các trường hợp tự quyết định mua sắm. Cụ thể, có thể yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc thực hiện kiểm toán độc lập nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn lực”, đại biểu đề nghị.

Yến Nhung