Trứng thật vỡ vì tin giả
Một đoạn clip mơ hồ về “trứng gà giả” lan truyền đã khiến cả ngành chăn nuôi điêu đứng. Khi tin giả lấn át sự thật, thị trường lập tức bị cuốn vào vòng xoáy hoang mang…
Gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip hơn một phút, kèm lời dẫn rằng “trứng gà nhân tạo đã xuất hiện ở Việt Nam”. Hình ảnh trứng có hai lòng đỏ, vỏ bóng lạ, lòng trắng sền sệt được gán là “giả”. Clip không rõ nguồn gốc, không có bất kỳ xác minh nào, nhưng vẫn nhanh chóng phủ sóng khắp các nền tảng, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Ngay sau đó, giá trứng tại trại rơi xuống chỉ còn 1.200–1.300 đồng/quả – thấp hơn cả chi phí sản xuất. Người chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao, doanh nghiệp bị hủy đơn hàng, thị trường xáo trộn. Hiệp hội Gia cầm Việt Nam lập tức lên tiếng, khẳng định: không có bằng chứng khoa học nào cho thấy có thể sản xuất trứng nhân tạo giống trứng thật. Đồng thời, Hiệp hội đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công an và các cơ quan chức năng vào cuộc.
Nhưng tin giả luôn đi trước. Một khi người tiêu dùng đã hoang mang, mọi lời đính chính dù chính xác cũng chỉ đến sau cảm xúc. Mạng xã hội không kiểm duyệt sự thật. Trong khi đó, tâm lý nghi ngờ được thổi bùng bởi những nội dung giật gân, thiếu trách nhiệm.
Còn nhớ cách đây vài năm, một đoạn clip khác ghi lại cảnh bổ quả dưa hấu, ruột đỏ đậm, nước chảy như máu, kèm lời cảnh báo: “Dưa bị bơm thuốc để giữ tươi lâu”. Không rõ căn cứ ở đâu, nhưng chỉ vài giờ sau, người tiêu dùng hoảng loạn, thương lái đồng loạt hủy đơn, giá dưa rớt thê thảm ở Long An, Tiền Giang.
Cơ quan chức năng sau đó xác minh đây là hiện tượng tự nhiên của giống dưa ngọt và mọng nước, hoàn toàn không liên quan đến hóa chất. Nhưng đến lúc đó, sự thật đã muộn. Thiệt hại đã xảy ra.
Hai câu chuyện – một mới, một cũ cùng hé lộ một quy luật đáng sợ: tin giả có thể bắt nguồn từ một lời đồn thiếu căn cứ, nhưng hậu quả thì luôn thật. Đáng lo hơn, là khi phản ứng xã hội còn quá chậm chạp, thiếu liên kết, thiếu một cơ chế phối hợp đủ nhanh và đủ rộng để kịp thời dập tắt thông tin sai lệch từ trứng nước.

Chúng ta không thể mãi trông chờ vào những bản đính chính sau khủng hoảng. Cần một cơ chế phản ứng trong 24 giờ, với sự tham gia chính thức của hiệp hội ngành hàng, báo chí chính thống và các cơ quan quản lý như một “trạm kiểm dịch thông tin” đủ mạnh để ngăn chặn khủng hoảng trước khi bùng phát.
Bởi, tin giả không cần được chứng minh, nó chỉ cần được lan truyền. Và một khi thao túng được tâm lý đám đông, hậu quả để lại không chỉ là giá nông sản lao dốc, người chăn nuôi trắng tay, mà còn là niềm tin xã hội bị xói mòn. Chúng ta đang trả giá cho sự chậm trễ trong kiểm soát thông tin, một cái giá quá đắt mà người làm ăn chân chính luôn là bên gánh chịu.
Chúng ta không thể tiếp tục vá lỗi bằng những dòng đính chính đến sau hoang mang. Đã đến lúc cần một hệ thống phản ứng khẩn cấp, nơi báo chí chính thống là “vùng xanh thông tin”, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và nhà quản lý để chủ động ngăn chặn tin giả ngay khi mới xuất hiện.
Suy cho cùng, trong thời đại mà tốc độ chia sẻ vượt xa khả năng kiểm soát, chậm một bước sẽ thua cả một thị trường. Lùi một nhịp sẽ đánh mất cả một ngành sản xuất.