Cú “trượt chân” của chuỗi “pizza công nghệ” ở TP HCM
Là một thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài, từng lọt top chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh phát triển nhất Châu Âu, thế nhưng Dodo đã phải đóng cửa hoàn toàn ở TP HCM.
Trên trang Facebook chính thức của mình, chuỗi Dodo Pizza Vietnam thông báo sẽ dừng hoạt động 4 chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 26/5/2025. Các cửa hàng nằm trong danh sách này bao gồm cửa hàng ở Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh), Trần Hưng Đạo (quận 1), Thống Nhất (Gò Vấp) và Nguyễn Đức Cảnh (quận 7). Ngoài ra, thông báo còn cho biết Dodo Pizza vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tại Đồng Xoài - Bình Phước.

Bài đăng chia sẻ rằng việc đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở TP HCM là vì các “yếu tố khách quan và định hướng chiến lược mới”. Dưới bài đăng, các “fan” của Dodo Pizza vào chia sẻ sự tiếc nuối khi phải chia tay với thương hiệu pizza yêu thích của mình.
Tại Việt Nam, Dodo Pizza gia nhập thị trường từ năm 2021, là một thương hiệu không quá nổi bật, số lượng cửa hàng khiêm tốn và độ nhận diện không cao. Thế nên những tin tức về việc thương hiệu này đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở TP HCM cũng không nhận về quá nhiều chú ý. Tuy nhiên ở quê nhà Nga và thị trường quốc tế, Dodo Pizza là một cái tên với lý lịch hoành tráng.
Theo thông tin chính thức trên website, Dodo Pizza có 1.364 cửa hàng (cả nhượng quyền lẫn tự quản lý) trên khắp 24 quốc gia, chủ yếu ở Nga, UAE và các nước Châu Âu, Châu Á như Romania, Serbia, Slovenia, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Indonesia, v.v.. Doanh thu năm 2024 vượt mốc 1 tỷ đô, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Dodo Pizza nằm trong danh sách 10 chuỗi pizza lớn nhất thế giới về số lượng cửa hàng. Năm 2024, họ đứng thứ 6 trong danh sách các hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh phát triển nhất Châu Âu.
Năm 2023, ông Fyodor Ovchinnikov, nhà sáng lập Dodo Pizza, lên kế hoạch mở thêm 1.000 cửa hàng tại Châu Âu, Châu Phi và Châu Á trong vòng 5 năm tới, với mục tiêu biến Dodo trở thành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh phát triển nhanh nhất thế giới.
Thành lập năm 2011 với trụ sở chính tại Moscow, một trong những điều nổi bật của Dodo Pizza là định vị bản thân là “doanh nghiệp công nghệ thực phẩm” (foodtech) thay vì một nơi bán pizza đơn thuần.
Thương hiệu này tự phát triển nền tảng nội bộ mang tên Dodo IS, tích hợp quản lý nhà hàng, lưu trữ đám mây, theo dõi dữ liệu vận hành theo thời gian thực như tồn kho, dòng tiền, chất lượng dịch vụ, v.v.. Ông Ovchinnikov nhấn mạnh rằng “Dodo một nửa là thức ăn, một nửa là công nghệ”, đồng thời ví von Dodo IS là “một loại nước sốt bí mật không ăn được nhưng vô cùng hiệu quả”.
Khách hàng tại một số thị trường còn có thể xem trực tiếp quy trình chế biến pizza của mình qua hệ thống camera tại bếp. Hệ thống này có khoảng 200 kỹ sư vận hành 24/7, giúp kiểm soát mọi hoạt động chuỗi toàn cầu. Chính công nghệ đã giúp Dodo tạo khác biệt và mở rộng nhanh ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á. Dodo Pizza là foodtech đầu tiên trên thế giới đầu tư hơn 50 triệu USD cho phần mềm quản lý. Bình quân mỗi tháng Dodo vẫn tiếp tục rót thêm 1 triệu USD cho nền tảng công nghệ.
Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, Dodo cũng tái thiết kế các cửa hàng và mở thêm nhiều hoạt động nhằm thu hút khách hàng ghé thăm. Chẳng hạn, bất kỳ khách hàng nào cũng có thể đến cửa hàng và tham quan khu bếp hoặc cùng nhân viên làm chiếc pizza cho riêng mình. Điều này nhằm phục vụ mục tiêu cân bằng giữa doanh số bán hàng online và offline.
Tuy nhiên ở Việt Nam, dường như sự đầu tư công nghệ không giúp họ chiếm được miếng bánh ngon trong thị trường bánh pizza.
Theo báo cáo của IMARC Group, thị trường pizza tại Việt Nam đạt khoảng 780 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 1,1 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng trung bình 3,8%/năm trong giai đoạn 2025 - 2033.
Trong đó, những thương hiệu pizza có độ phủ lớn nhất bao gồm Pizza Hut (118 cửa hàng), The Pizza Company (74 cửa hàng) và Domino’s Pizza (59 cửa hàng). Ngoài ra không thể không kể đến Pizza 4P’s, tuy số lượng cửa hàng kém hơn (39 cửa hàng) nhưng danh tiếng khá tốt và được định vị ở tầm “sang” hơn 3 chuỗi kể trên.
Nếu so sánh, có thể thấy rõ số lượng cửa hàng và mức độ nhận diện của Dodo Pizza tại Việt Nam khá khiêm tốn so với các thương hiệu toàn cầu kể trên. Nhiều người Việt bình luận trên mạng xã hội rằng khi chuỗi này đóng cửa, họ mới biết đến tên Dodo. Đó là chưa kể thị trường pizza Việt Nam còn có sự góp mặt của rất nhiều cửa hàng địa phương, đường phố với những biến tấu hợp vị người Việt.
Với sự đông đúc ấy, cộng thêm việc Dodo mới chỉ có “4 năm kinh nghiệm” tại Việt Nam, thì có vẻ Dodo chưa đủ lợi thế để cạnh tranh với các thương hiệu khác, dẫn đến kết quả là đóng cửa các cửa hàng. Cú trượt chân của Dodo Pizza Vietnam một lần nữa cho thấy độ thử thách không hề nhỏ đối với các chuỗi thức ăn nhanh muốn gia nhập thị trường Việt Nam.