Chính trị

Đột phá từ “bộ tứ trụ cột”

Lê Mỹ 21/05/2025 04:30

Sẵn sàng cho 100 năm thành lập nước và xa hơn là vận mệnh tương lai dân tộc Việt Nam thịnh vượng, Bộ Chính trị xác lập tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp trong “Bộ tứ trụ cột”: Nghị quyết 57, 59, 66, 68.

cover1.jpg
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Bốn Nghị quyết này, cụ thể: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN (KTTN).

Tầm nhìn toàn diện

Các Nghị quyết được ban hành trong khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 2024 đến nay. Đặc biệt, ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về KTTN ban hành ngày 4/5/2025, đến ngày 17/5/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Tin học Kinh tế và Ứng dụng (IIB) chia sẻ: Nhìn lại trong gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với KTTN đã được thể hiện rõ tại các văn kiện, văn bản. Song, đặt trong bối cảnh mới với những chuyển động mới và cả thách thức gay gắt phía trước như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, những đổi mới về định hướng, đường lối, quan điểm đòi hỏi tầm nhìn toàn diện. Bốn Nghị quyết trên đã đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Theo TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Nghị quyết về KTTN cho một tầm nhìn về động lực, cởi bỏ các định kiến để kích hoạt mạnh mẽ nguồn lực quốc gia, khuyến khích “toàn dân thi đua” làm giàu. Nghị quyết về thúc đẩy khoa học công nghệ và sáng tạo cho tầm nhìn về xác lập vai trò quan trọng, về yếu tố sử dụng “vũ khí” để làm đòn bẩy cho quốc gia không chỉ riêng về kinh tế.

Pháp luật và Hội nhập - 2 Nghị quyết trụ cột còn lại để Việt Nam hoàn thiện “nền móng” nội lực và vươn xa. Trong đó, đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật chính là xây dựng pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh xã hội, mà còn là nền móng cho một quốc gia văn minh và thịnh vượng. Bởi một nền kinh tế phát triển không thể đứng vững nếu thiếu một hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng và hiệu lực.

Tầm nhìn chủ động hội nhập sâu rộng chính là chỉ dẫn chiến lược sống còn đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của một quốc gia trong kỷ nguyên mới, vừa là bệ phóng để mở rộng không gian phát triển và thị trường kinh tế vừa thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần khẳng định vị thế và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chúng ta không chỉ cần khẳng định vị thế tự cường, độc lập, còn cần bản lĩnh gắn kết vận mệnh quốc gia với hòa bình và phát triển thế giới.

Nói cách khác, pháp quyền hay hội nhập không phải là điểm đến, mà là điều kiện tiên quyết để Việt Nam đi xa. Cùng với đó, trên hành trình quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra, đổi mới khoa học là “vũ khí”, là “phương tiện” sống còn; còn động lực và chủ thể quan trọng nhất để thúc đẩy các giá trị vận hành mang đến tăng trưởng cho nền kinh tế hôm nay và mai sau chính là doanh nghiệp, là KTTN.

“Bộ tứ trụ cột” vì vậy có ý nghĩa lớn, là tầm nhìn toàn diện trong xu thế của một thời đại hội nhập càng sâu rộng, công nghệ càng tân tiến, bối cảnh càng phức tạp với cuộc chạy đua bảo hộ thương mại, thậm chí là bảo hộ vũ trang, chúng ta càng phải có định hướng, giải pháp rõ ràng, sắc bén để phát huy mọi nguồn lực, hoàn thiện nội lực, khẳng định bản lĩnh quốc gia.

Chờ đợi chương trình hành động

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66, và Nghị quyết số 68, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết: Nghị quyết 68 là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế, xóa bỏ những định kiến về KTTN. Theo Chủ tịch Geleximco, đây là cuộc cách mạng toàn diện về giải phóng lực lượng sản xuất", và Nghị quyết như "cơn mưa rào" đến khi đang hạn hán, toàn cộng đồng doanh nhân được kêu gọi cùng hưởng ứng, cùng cống hiến khi Nghị quyết 68 đã giải phóng các nguồn lực trong doanh nghiệp, trong người dân, trong nền kinh tế.

Ông cũng chia sẻ, sau khi Nghị quyết ban hành, cộng đồng doanh nhân cũng đang chờ đợi các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn tư nhân lớn trong nền kinh tế đề xuất cần có cơ quan giám sát độc lập để thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chấp hành, thực thi của các bộ ngành, địa phương.Cơ quan này cũng sẽ là kênh tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về quá trình thực thi Nghị quyết 68 đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ông Vũ Văn Tiền cũng đề xuất Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị phù hợp để thực hiện nhiệm vụ trên.

Cùng có chung quan điểm và tinh thần đồng lòng phấn khởi đón các Nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 68, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HuBa lo ngại, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ làm chậm việc triển khai Nghị quyết này. Việc triển khai sắp xếp cần nhanh, gọn, kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng mới phát huy tác dụng của Nghị quyết.
Tầm nhìn đã có, chỉ dẫn đã bao quát toàn diện và cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có lộ trình thực thi các nội dung ở từng Nghị quyết để các định hướng đi vào cuộc sống, được thực thi và thẩm thấu sớm nhằm biến cú hích kỳ vọng thành hiện thực.

Lê Mỹ