Thách thức thử nghiệm P2P Lending
Một số doanh nghiệp P2P Lending tại Việt Nam đã sẵn sàng về công nghệ, nhân sự, tài chính và quy trình... nhưng việc đáp ứng quy định mới cho thử nghiệm P2P là một thách thức khác.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia trong lĩnh vực Fintech và cố vấn cho các công ty P2P Lending tại Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Theo ông, Nghị định 94/2025/NĐ-CP sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức nào cho các doanh nghiệp P2P Lending đang hoạt động tại Việt Nam?
Sau thời gian dài hoạt động thiếu khung pháp lý, Nghị định 94/2025 mở ra cơ hội thiết lập trật tự mới cho thị trường P2P Lending tại Việt Nam. Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm P2P sẽ được hoạt động trong môi trường có kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giúp tăng tính minh bạch, kiểm soát rủi ro, và xây dựng lại niềm tin thị trường.
Tham gia sandbox đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về pháp lý, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khả năng góp phần phổ cập tài chính. Đây là cơ hội để các công ty “chính danh hóa” mô hình P2P, được NHNN cấp giấy chứng nhận thử nghiệm – yếu tố then chốt giúp họ có mặt chính thức trên các nền tảng như App Store, Google Play, vốn trước đây bị hạn chế.
Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn. Điều kiện tham gia sandbox khá nghiêm ngặt và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được, đặc biệt là các công ty thuần công nghệ hoặc thiếu kinh nghiệm tài chính. Ngoài ra, việc được tham gia sandbox không đồng nghĩa với việc sẽ được cấp phép kinh doanh khi quy định về P2P chính thức được ban hành.
Chưa kể, các vấn đề cốt lõi như kiểm soát lãi suất, xử lý nợ xấu, bảo vệ người cho vay và người vay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ý thức trả nợ thấp của một bộ phận người dùng và sự tồn tại của các hội nhóm “bùng nợ” cũng là yếu tố rủi ro tiềm tàng.
Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ các “ứng dụng đen” hoạt động ngoài vòng kiểm soát, làm xói mòn hình ảnh thị trường và gây khó khăn cho doanh nghiệp chân chính trong việc xây dựng lòng tin.
- Vậy các doanh nghiệp P2P Lending cần chuẩn bị những gì về pháp lý, công nghệ và vận hành để được tham gia thử nghiệm P2P lending theo Nghị định 94/2025, thưa ông?
Nghị định 94/2025 quy định khá rõ ràng về điều kiện pháp lý: doanh nghiệp phải là pháp nhân thành lập hợp pháp tại Việt Nam, đáp ứng tiêu chí về loại hình, quản trị, năng lực kỹ thuật, trách nhiệm, và duy trì điều kiện tham gia xuyên suốt quá trình thử nghiệm.
Về công nghệ, doanh nghiệp cần có giải pháp có tính sáng tạo, phục vụ phổ cập tài chính, hệ thống kỹ thuật vận hành ổn định và minh bạch hóa toàn bộ quy trình hoạt động. Thực tế, nhiều công ty đang hoạt động đã có nền tảng công nghệ và quy trình khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn cần rà soát và nâng cấp theo đúng khung tiêu chí mới.
Việc chuẩn bị không chỉ để “vào sandbox” mà còn để đặt nền móng phát triển dài hạn. Doanh nghiệp cần xác lập một hệ sinh thái vận hành tuân thủ, minh bạch, có khả năng thích ứng với khung pháp lý đầy đủ trong tương lai. Đây là cuộc chơi dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc.
- Ông đánh giá mức độ sẵn sàng hiện tại của các doanh nghiệp P2P Lending trong nước như thế nào?
Một số doanh nghiệp đã sẵn sàng về công nghệ, tài chính và nhân sự. Họ có ứng dụng hoạt động ổn định, xuất hiện trên các kho tải, có đội ngũ giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, sẵn sàng theo tiêu chuẩn cũ khác hoàn toàn so với yêu cầu khắt khe của Nghị định 94/2025.
Từ năm 2016, thị trường P2P Lending Việt Nam phát triển nhanh nhưng chủ yếu theo hướng tự phát do thiếu khung pháp lý. Nhiều công ty phải “lách luật” bằng cách đăng ký dưới hình thức cầm đồ, môi giới tài chính hoặc tư vấn đầu tư. Hệ quả là thị trường bị méo mó, nhiều mô hình biến tướng, lãi suất “cắt cổ”, phí ẩn, đòi nợ kiểu xã hội đen… gây tổn thất nặng nề cho người tiêu dùng và làm mất uy tín chung của Fintech Việt Nam.
Nghị định 94/2025 đặt ra “bộ lọc pháp lý” nghiêm ngặt. Các điều kiện như không sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động P2P, năng lực kiểm soát rủi ro, quản trị minh bạch sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc toàn diện nếu muốn được tham gia.
Vì vậy, chỉ những công ty có tầm nhìn dài hạn, nguồn lực tốt và cam kết thực sự mới có thể đáp ứng tiêu chí và tồn tại bền vững trong sandbox. Đây là quá trình thanh lọc cần thiết, nhưng cũng là bài toán khó cần sự đồng hành của cả doanh nghiệp và nhà quản lý.
- Việc tham gia sandbox có thể giúp doanh nghiệp P2P Lending nâng cao uy tín và phát triển thị trường như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh và quản lý ngày càng chặt chẽ, thưa ông?
Sandbox là cơ hội chiến lược để doanh nghiệp P2P Lending khẳng định uy tín. Việc được NHNN giám sát và cấp giấy chứng nhận giúp phân biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp hợp pháp và tổ chức trá hình. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát góp phần củng cố niềm tin của cả bên vay và cho vay – điều rất cần trong bối cảnh thị trường từng bị thao túng bởi các mô hình tín dụng đen.
Đặc biệt, yêu cầu về báo cáo định kỳ, công bố thông tin chính xác sẽ buộc doanh nghiệp phải minh bạch hơn. Đây là yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư và giữ chân người dùng. Càng minh bạch, doanh nghiệp càng có lợi thế cạnh tranh và cơ hội gọi vốn trong nước hoặc hợp tác quốc tế trong tương lai.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sandbox không phải là giấy phép kinh doanh chính thức. Doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị năng lực công nghệ, quy trình vận hành và khả năng tuân thủ để đủ điều kiện “bước ra khỏi sandbox” một cách bền vững khi khung pháp lý hoàn chỉnh ra đời.
Điều quan trọng là NHNN cần xác lập lộ trình chuyển tiếp rõ ràng sau thử nghiệm 2 năm, để tránh rủi ro pháp lý và tâm lý chờ đợi của doanh nghiệp. Nếu vận hành linh hoạt và minh bạch, sandbox sẽ không chỉ là giải pháp tạm thời mà là bước đệm vững chắc để xây dựng một hệ sinh thái Fintech Việt Nam minh bạch, an toàn và phát triển lâu dài.
- Trân trọng cảm ơn ông!
NHNN cần xác lập lộ trình chuyển tiếp rõ ràng sau 2 năm thử nghiệm P2P Lending để tránh rủi ro pháp lý và tâm lý chờ đợi của các doanh nghiệp.