Áp lực mới với xuất khẩu hàng hóa
Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời, đơn hàng vận chuyển giữa hai nền kinh tế tăng 300%, khiến giá cước tăng mạnh, gây áp lực cho hàng hóa xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia trong ngành vận tải biển dự báo giá cước vận tải có thể đạt mức đỉnh điểm của thời kỳ COVID-19 là khoảng 20.000 USD/TEU trong ba tháng tới.
Giá cước vận tải biển tăng
Vài ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thuế quan tạm thời trong 90 ngày, hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào thời điểm bùng nổ sau nhiều tháng bị kìm nén.
Thời hạn thỏa thuận thương mại 90 ngày khiến các nhà sản xuất và nhập khẩu bước vào cuộc chạy đua để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ nhiều nhất có thể. Bởi vì, các doanh nghiệp không thể biết trước sau thời hạn này diễn biến tiếp theo sẽ ra sao?
Đơn hàng vận chuyển đến và đi giữa hai nền kinh tế tăng khoảng 300%, khiến giá cước vận tải biển tăng vọt. Trong vòng 1 tuần, giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng khoảng 8%.
Các hãng vận tải biển tại Singapore và Anh quốc dự kiến tăng giá cước khoảng 50% trong khoảng 10 ngày tới. Việc vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải đến Los Angeles trong những tuần tới có thể tốn hơn 3.000 đô la Mỹ.
Công ty Tư vấn hàng hải Braemar Shipbroking ở London, Anh quốc cho rằng sở dĩ giá cước vận tải biển tăng mạnh là do các doanh nghiệp không lường trước được các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và nhiều đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ ra sao sau khi kết thúc thời hạn đàm phán. Do đó, các nhà nhập khẩu chỉ còn cách chất vào kho càng nhiều hàng hóa càng tốt để phòng ngừa rủi ro.
Ông Peter Sand, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Xeneta, cũng cho biết thời gian vận chuyển hàng hóa trung bình trên tuyến xuyên Thái Bình Dương là 22 ngày. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội 90 ngày tạm hoãn một phần thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc để vận chuyển càng nhiều hàng hóa càng tốt vào Mỹ. Điều này sẽ gây áp lực tăng giá cước vận tải biển.
Rõ ràng việc hoãn, giảm thuế trong 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc không đủ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững về khối lượng hàng hóa xuyên Thái Bình Dương – vốn đã giảm mạnh từ 25 - 40% vào tháng 4/2025.
Ngoài ra, với mục đích đưa ngành đóng tàu trở lại nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch thu phí đối với tàu biển có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mức phí khởi điểm sẽ là 18 USD mỗi trọng tải tịnh hoặc 120 USD mỗi container. Với một tàu chở khoảng 15.000 container, mức phí có thể lên đến 1,8 triệu USD.
Vận tải biển đảm nhiệm 80% lượng hàng hóa lưu thông trên toàn cầu, tương đương gần 80 triệu TEU. Chi phí vận tải biển tăng mạnh đã và đang gây áp lực lớn đối với xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu.
Tiềm ẩn nhiều lo ngại
Cước phí vận tải biển là một trong những cấu phần chi phí rất quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa. Điều này tất yếu sẽ khiến giá hàng hóa tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh, giảm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Với Việt Nam, những loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực, như dệt may giày dép, điện tử, điện máy, nông sản, hóa chất , máy móc, ô tô,… phần lớn được vận chuyển bằng đường biển.
Trong khi đó, Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, với quy mô xuất nhập khẩu đã gần chạm mức 800 tỷ USD vào cuối năm 2024, trong đó lượng hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU rất lớn, khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều tác động từ tăng giá cước vận tải biển. Tác động càng lớn hơn khi 95% hàng hóa xuất nhập khẩu phụ thuộc các hãng tàu ngoại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành vận tải biển nhận định giá cươc vận tải biển sẽ không thể tăng liên tục, bởi vì Mỹ và nhiều đối tác thương mại đang gấp rút hoàn thành các vòng đàm phán để tiến tới “hạ nhiệt” cuộc chiến thuế quan, nhất là khi chính quyền Trump cũng chịu nhiều sức ép trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông Simon Heaney, Giám đốc nghiên cứu thị trường vận chuyển container Drewry - nhà cung cấp dữ liệu có trụ sở tại Vương quốc Anh, cũng vừa đưa ra dự báo rằng: “Giá cước vận tải biển hiện nay có thể chỉ là một bong bóng và cuối cùng nó… chắc chắn sẽ vỡ”.
Trước viễn cảnh giá cước vận tải biển có xu hướng tăng cao hơn, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, vận tải đa phương kết hợp đường biển, đường bộ, hàng không. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với các hãng tàu.
Những biến động của thị trường quốc tế được dự báo từ sớm - đã làm sâu sắc thêm tầm quan trọng của chiến lược thích ứng nhanh của nền kinh tế, đại diện trong đó là doanh nghiệp. Bài toán tăng năng suất, giảm chi phí, tự chủ chuỗi cung ứng luôn luôn có tính thời sự.