Khởi nghiệp

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Đề án 844

Diệu Oanh 20/05/2025 17:00

Triển khai Đề án 844 là bước ngoặt khẳng định vị thế mới của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ là cơ sở đào tạo, mà còn kiến tạo tri thức – dẫn dắt đổi mới – kết nối thị trường.

Năm 2025, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, giao nhiệm vụ về việc thực hiện “Nâng cao năng lực chuyên sâu cho đội ngũ tiên phong, dẫn dắt cố vấn hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư thiên thần hoặc giảng viên ToT” thuộc Đề án 844 (Quyết định 844/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025).

ra mat
Ra mắt ban thực hiện đề án 844 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Ban thực hiện đề án gồm 6 thành viên, trong đó có Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành làm chủ nhiệm.

Ban thực hiện đề án kỳ vọng rằng sẽ hình thành được đội ngũ 30 huấn luyện viên có năng lực chuyên môn và thực tiễn cao; 30 dự án khởi nghiệp sinh viên được cố vấn phát triển theo hướng khả thi và gọi vốn; xây dựng được khung chương trình đào tạo huấn luyện viên có thể áp dụng cho nhiều cơ sở giáo dục khác.

Được thiết kế với lộ trình thực hiện đến năm 2025, kế hoạch triển khai Đề án 844 tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được xây dựng tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các hoạt động cụ thể bao gồm việc tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cũng như xây dựng các không gian làm việc và hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với tầm nhìn trở thành một trong những trường đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực phía Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xác định việc tham gia Đề án 844 không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, mà là tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái học thuật – đổi mới – chuyển giao tri thức. Nhà trường hướng đến mô hình phát triển bền vững, trong đó hoạt động đào tạo gắn chặt với ứng dụng thực tiễn, nghiên cứu phục vụ cộng đồng và khởi nghiệp tạo giá trị xã hội.

cô hồng
TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng NTTU phát biểu khai mạc chương trình

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, từng chia sẻ: “Tập thể nhà trường tự hào ghi nhận những thành công bước đầu thông qua các giải thưởng khởi nghiệp trong và ngoài nước bằng sự nỗ lực và cố gắng hết mình của các em sinh viên và sự tận tâm của các thầy cô Giảng viên trên con đường định hướng phát triển theo mô hình Đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Nhà trường. Trong đó, không thể không nhắc đến Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hàng năm do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức là một nền tảng cơ bản để tìm ra những dự án, ý tưởng khởi nghiệp hay, có tính khả thi để tiếp tục bồi dưỡng và ươm tạo để phát triển”.

Tiến sĩ Hoàng Thịnh Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo – Ươm tạo khởi nghiệp (NIIC), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, với Đề án 844, Trường Đại học Nguyễn tất Thành có các nhiệm vụ trọng tâm như sau: tổ chức 04 hội nghị chuyên đề nhằm kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và giảng viên phục vụ xây dựng khung chương trình đào tạo, tuyển sinh khóa đào tạo huấn luyện viên, trình diễn kết quả, tổng kết nhiệm vụ; Xây dựng khung chương trình đào tạo mẫu và bộ tiêu chí đánh giá năng lực huấn luyện viên; Triển khai chương trình đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp theo chuẩn quốc gia và quốc tế, áp dụng phương pháp thực hành (2 module).

kifoff cuôc thi
Lễ Kick-off Cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” lần IX, với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng”

Hành trình khởi nghiệp của sinh viên không chỉ là quá trình sáng tạo ra sản phẩm hay mô hình kinh doanh, mà còn là sự trưởng thành trong tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Cô khẳng định, nhà trường luôn đồng hành cùng sinh viên bằng việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, kết nối với doanh nghiệp và các chuyên gia thực tế, tạo môi trường để các ý tưởng được thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển bền vững, TS. Cầm nhấn mạnh.

Theo đại diện Ban Quản lý Đề án tại Trường cho biết: “Mỗi dự án khởi nghiệp không chỉ là một ý tưởng kinh doanh, mà là một giải pháp cho một vấn đề thực tiễn của xã hội. Sinh viên khởi nghiệp là những người mang tư duy kiến tạo và trách nhiệm công dân trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo”.

Diệu Oanh