Thuế quan Mỹ "ngáng đường" các công ty hóa dầu Đông Nam Á
Thuế quan của Mỹ gây ra tình trạng cung sản phẩm hóa dầu vượt cầu, khiến các nhà sản xuất hóa dầu ở Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp hóa dầu ở Đông Nam Á đang chuẩn bị đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, khi căng thẳng thương mại do thuế quan của chính quyền Trump khiến dòng sản phẩm hóa dầu tràn vào khu vực này.
Brian Leonal, Trưởng bộ phận định giá hóa dầu khu vực châu Á tại Argus, cho biết: “Ngành hóa dầu ở Đông Nam Á sẽ gặp một số thách thức khi Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng xuất khẩu các sản phẩm mà họ thường giao dịch với nhau sang khu vực này.”
Theo các nhà phân tích, việc hạn chế giao thương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến sự phân hóa trong dòng chảy thương mại, trong đó nguyên liệu đầu vào và sản phẩm hóa dầu dư thừa sẽ được chuyển hướng sang các thị trường Đông Nam Á.
Tác động trực tiếp của điều này sẽ là sự sụt giảm giá sản phẩm hóa dầu trong khu vực. Điều này dự kiến sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất và lọc hóa dầu ở Đông Nam Á.
“Có khả năng nguồn cung sản phẩm hóa dầu trong khu vực sẽ trở nên dồi dào, làm dấy lên nguy cơ phá giá sản phẩm,” ông Shawn Park, chuyên gia phân tích của S&P Global Ratings nhận định.
Chuyên gia này cũng giải thích thêm, ngay cả khi mức thuế giữa Mỹ và Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm, nhiều ngành vẫn sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến sự suy giảm tiêu dùng hàng hóa toàn cầu. Tiêu dùng chậm lại đồng nghĩa với nhu cầu hóa dầu toàn cầu giảm, dẫn đến tình trạng dư cung các sản phẩm hóa dầu chủ chốt, chẳng hạn như polypropylene (PP).”
PP được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và thương mại, bao gồm bao bì thực phẩm, sản phẩm dệt may, linh kiện ô tô, thiết bị y tế và vật liệu xây dựng.

Ông Park cũng lưu ý rằng triển vọng nhu cầu đối với các hàng hóa thành phẩm có khả năng vẫn sẽ không rõ ràng. “Chúng tôi vẫn khó thấy được một đợt phục hồi nhu cầu bền vững trong ngành này,” ông nói.
Do nhu cầu dao động và tình trạng bất ổn, các nhà phân tích đang cắt giảm khuyến nghị và mục tiêu giá cổ phiếu đối với các công ty hóa dầu trong khu vực.
Chuyên gia phân tích Raymond Yap của CGSI lưu ý rằng giá polyethylene (PE), loại nhựa được sản xuất phổ biến nhất, dự kiến sẽ giảm do lượng PE xuất khẩu từ Mỹ đã được chuyển hướng sang Trung Quốc kể từ tháng 4/2025.
Ông cũng chỉ ra rằng số lượng đơn đặt chỗ vận chuyển container giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ khi mức thuế có hiệu lực. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm sản lượng sản xuất tại Trung Quốc, góp phần vào tình trạng dư cung.
Các nhà sản xuất Thái Lan cũng nằm trong nhóm có thể bị ảnh hưởng. Chuyên gia phân tích Duladeth Bik của DBS nhận định các doanh nghiệp tích hợp hóa dầu và lọc hóa dầu Thái Lan – PTT Global Chemical (PTTGC) – sẽ gặp khó khăn do nhu cầu suy yếu và nguồn cung gia tăng.
Chuyên gia phân tích Amornrat Cheevavivhawalkul của CGSI dự báo lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của PTTGC sẽ tiếp tục yếu trong hai năm tới do nhu cầu suy giảm từ căng thẳng thương mại, dẫn đến dư cung olefin.
Nhìn chung, CGSI xếp ngành hóa dầu ở mức “kém khả quan” do căng thẳng thương mại và tình trạng dư cung kéo dài.
Căng thẳng thương mại kéo dài cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sử dụng propylene. Những sản phẩm này, bao gồm tủ lạnh, máy giặt và máy điều hòa không khí, hiện đang chiếm lần lượt 40–50%, 35–40% và 25–35% thị phần tại thị trường Mỹ.
Các chuyên gia lưu ý, ngay cả khi Mỹ nới lỏng các mức thuế quan đối ứng đối với một số quốc gia, thì căng thẳng thương mại vẫn đang âm ỉ và sẽ khiến mức tăng trưởng nhu cầu nhựa tại châu Á duy trì ở mức thấp trong vài năm tới.