Thúc đẩy tư nhân tham gia dự án quốc gia
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, Nhà nước cần đặt hàng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tham gia dự án, công trình lớn, trọng điểm quốc gia; hỗ trợ DNTN phát triển thành doanh nghiệp dân tộc.
Phát biểu tại Diễn đàn CEO 2025, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2019 - 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 143.500 doanh nghiệp/năm, gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2014 - 2018, nhưng tính đến hết năm 2024, số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã lên tới 940.000 doanh nghiệp, chiếm 98,9% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Theo TS Cấn Văn Lực, trong giai đoạn 2020 - 2023, kinh tế tư nhân đóng góp trung bình 50,3% GDP, (trong đó DNTN đóng góp 24,17% GDP, hộ kinh doanh khoảng 23,19% GDP, kinh tế tập thể, chủ yếu là hợp tác xã, chiếm khoảng 2,94% GDP) cao hơn khu vực kinh tế Nhà nước với 20,8% và khu vực FDI 20,2%, chiếm 58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 30% thu ngân sách Nhà nước, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu; 82% việc làm trong nền kinh tế; Tiên phong trong đổi mới sáng tạo; Tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp (4.000 startup năm 2024) gấp 2,7 lần năm 2015
"Nước ta đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, vươn tầm quốc tế. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp khoảng 1 tỷ USD an sinh xã hội hàng năm”, TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Tuy nhiên, ông cho rằng, quy mô doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế, khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, cải tiến công nghệ, chương trình/dự án trọng điểm quốc gia, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn chậm,...
TS Cấn Văn Lực cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm chính là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Từ đó, không còn quan niệm "con buôn”. Đồng thời, xem doanh nhân là “chiến sĩ” trên mặt trận kinh doanh.
Theo TS Cấn Văn Lực, các nhóm giải pháp đột phá, trọng tâm của Nghị quyết gồm: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu và quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao...
Nghị quyết cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2045 có khoảng 3 triệu doanh nghiệp. Dự tính năm 2030, khối kinh tế tư nhân đóng góp từ 55-58% GDP, đến 2045 sẽ tăng lên với đóng góp trên 60%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, theo TS Cấn Văn Lực, Nhà nước cần đặt hàng DNTN tham gia dự án, công trình lớn, trọng điểm quốc gia; hỗ trợ DNTN phát triển thành doanh nghiệp dân tộc (căn cứ theo mức độ đóng góp, thay vì theo quy mô). Tăng tính kết nối, hợp tác, phát triển thị trường, nên quy định chi tiết về cơ chế, nguyên tắc phối hợp của các DNTN với DNNN, các đối tác khác của Nhà nước trong các dự án đầu tư công, dự án PPP, dự án trọng điểm quốc gia... Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, cơ sở dữ liệu về kinh tế tư nhân và cơ chế chia sẻ, liên thông dữ liệu.
Về phía doanh nghiệp, hộ kinh doanh, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng dài hạn, bền vững, tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng chuyển đổi số và xanh hóa; thượng tôn pháp luật, áp dụng chuẩn mực đạo đức kinh doanh...