Tín dụng - Ngân hàng

Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khu vực tư nhân

Lê Mỹ 22/05/2025 11:05

Thực hiện theo chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân đã được Quốc hội thông qua.

may tn
Nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân được thông qua trong Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội. Ảnh: BHT

Theo Nghị quyết 198/2025/QH15, các cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân được Quốc hội thông qua, như Chương IV hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Điều 9 hỗ trợ tài chính, tín dụng có nội dung nổi bật đầu tiên là “Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)”.

“Định vị” đối tượng hỗ trợ

Trước hết, đây là nội dung hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc lớn của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân bao gồm nhóm siêu nhỏ, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh, với thực trạng hạn hẹp nguồn lực, khó khăn khi vay vốn, nhất là nguồn vốn khi đầu tư vào các lĩnh vực chi phí cao, cần thời gian đầu tư dài hạn, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho rằng, nhận định.

Thứ hai, các định hướng cũng quy định rõ về nhóm đối tượng/ dự án hưởng lợi quy định rõ “để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng ESG” - gắn liền với định hướng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước với tầm nhìn “muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam phải thoát lối mòn cũ” như chỉ thị của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, phải đi trước và được thúc đẩy bởi các cơ chế, chính sách để khắc phục một trong những thách thức của đất nước, đúng như Tổng Bí thư nhìn nhận: “Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế; chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao vẫn hiện hữu”.

Ở một mặt khác, các định hướng xác định nhóm đối tượng được hỗ trợ, hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung, với bối cảnh toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu và các mục tiêu của Việt Nam để trở thành quốc gia thu nhập cao, có kinh tế hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Điều kiện thực thi hỗ trợ

Những thay đổi gần đây và tương lai gần của hệ thống ngân hàng, điển hình như dự án sửa đổi Luật các TCTD, hướng đến Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ hướng đến khơi thông các điểm nghẽn xử lý nợ xấu, tăng sức mạnh của các TCTD. Theo khẳng định của Lãnh đạo NHNN, đề xuất trao quyền cho NHNN được quyết hỗ trợ cho vay không tài sản đảm bảo lãi suất 0% với các TCTD nhằm linh hoạt điều tiết đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia… sẽ giúp cơ quan quản lý tăng hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết.

“Khi thực thi Nghị quyết 198/2025/QH15, kỳ vọng đây cũng sẽ là khung pháp lý quan trọng để NHNN chủ động trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Các NHTM không phải “nhìn nhau” lúc tham gia các chương trình hỗ trợ khi đi kèm là các cơ chế cho vay, tái cấp vốn phù hợp. NHNN cũng phát huy được vai trò chủ động của người cho vay cuối trong hệ thống tiền tệ, đảm bảo dòng chảy vốn, bao gồm vốn hỗ trợ thông suốt và có tính ổn định dài hạn”, theo chuyên gia.

Nhiều NHTM cũng cho biết các nguồn lực hỗ trợ vốn xanh hiện chưa có nhiều đặc biệt, chưa được hỗ trợ vốn xanh cụ thể từ NHNN. Các nguồn vốn xanh từ phía ngân hàng vẫn mới chỉ là do ngân hàng cân đối từ lãi suất huy động theo cơ chế thị trường. Do đó, khi có được chủ trương của 1 trong những “bộ tứ trụ cột” Nghị quyết 198/2025/QH15, kỳ vọng sẽ có sự thay đổi về nguồn vốn hỗ trợ.

Ngoài ra, nhìn lại gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sau đó tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ 3% đến cuối năm 2023, mà nguyên do như NHNN khảo sát - phần lớn người vay e ngại thanh kiểm tra, hậu kiểm; thì chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 198/2025/QH15, theo chủ trương Nghị quyết 68-NQ/TW, cần công khai, minh bạch, rút ngắn tối giản thủ tục hồ sơ hành chính ngay từ đầu.

Để làm được này, lại quay trở về “gốc” của vấn đề phát triển kinh tế xanh: Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chí phân loại xanh để doanh nghiệp có cơ sở chứng minh dự án của mình đủ điều kiện tiếp cận tín dụng hỗ trợ. Ngược lại, NHTM cũng có cơ sở để xác minh hồ sơ, giải ngân tín dụng hưởng hỗ trợ theo đúng tiêu chí đề ra.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, việc xác định phát triển bền vững, kinh tế xanh, ESG đang trở thành xu thế của mọi quốc gia trên thế giới. Trong mối quan hệ liên kết giữa đóng góp tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp, theo ông Lâm, ngân hàng đóng vai trò trung gian cung cấp các sản phẩm dịch vụ nguồn vốn xanh cho ngân hàng. Việc hoàn thiện khung pháp lý, minh bạch cơ chế để huy động nguồn vốn xanh từ quốc tế cũng được ông Lâm cho rằng rất cần thiết để chính các NHTM được chủ động tăng cường nguồn vốn xanh, thực thi định hướng hỗ trợ vốn xanh cho nền kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng.

Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có chiến lược về phát triển kinh tế xanh, nắm rõ các tiêu chuẩn ESG. Đồng thời, kết hợp huy động ESG vào kinh doanh, đặt các tiêu chuẩn xanh và tuân thủ các quy định, cam kết xanh, để ngân hàng có cơ sở xác định đúng đối tượng khi xét duyệt tài chính xanh.

Lê Mỹ