TP HCM sẽ quy hoạch lại đường sắt đô thị để kêu gọi đầu tư theo hình thức TOD
TP HCM cần quy hoạch lại hệ thống đường sắt đô thị với “phạm vi mới, tầm nhìn mới", để kêu gọi đầu tư theo hình thức TOD (phát triển đô thị theo hệ thống giao thông công cộng).
Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được tại cuộc họp Ban chỉ đạo Thành ủy TP HCM về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.

Hoàn thành 510 km đường sắt đô thị vào năm 2045
Đáng chú ý, báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm - quyền Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị đã được cập nhật vào quy hoạch kinh tế - xã hội và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.
“TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 355 km, đến năm 2045 hoàn thành 510 km. Nếu tính thêm 2 tuyến quận 7 đi Cần Giờ và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành thì mạng lưới đường sắt đô thị của TP HCM gần 600 km”, ông Lâm nêu.
Cũng theo ông Lâm, về công nghệ, TP HCM đầu tư đường sắt khổ 1.435 mm, tương tự như tuyến số 1 và số 2, tiệm cận công nghệ châu Âu. Nguồn vốn làm đường sắt đô thị cũng đa dạng, gồm ngân sách địa phương tự cân đối, khai thác quỹ đất, phát hành trái phiếu, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 210.000 tỉ đồng trong 10 năm.
Về tiến độ, từ nay đến năm 2027 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị dự án, giai đoạn 2027 - 2028 hoàn tất bồi thường, riêng tuyến số 2 khởi công năm nay.
Về nguồn vốn, ông Lâm cho biết, hiện TP HCM một số cơ chế, chính sách vượt trội theo Nghị quyết 188 của Quốc hội về nguồn vốn, đấu thầu, hợp tác công tư... Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư sẽ do HĐND TP HCM quyết định, cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng. Do đó, việc phân chia dự án đầu tư linh hoạt, không bị ràng buộc bởi luật Xây dựng như trước đây, việc gia hạn dự án cũng đơn giản nếu không tăng tổng mức đầu tư...

Riêng mô hình TOD, ông Lâm nêu điểm rất mới mang tính dẫn dắt đó là trên cơ sở hướng tuyến, nhà ga đã được phê duyệt, các quy hoạch khác phải cập nhật theo quy hoạch đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, Nghị quyết 188 cho phép sử dụng 100% các khoản thu để phát triển hạ tầng giao thông.
“Hiện nay, Bộ Xây dựng đang cùng TP HCM và Hà Nội xây dựng nghị quyết mới có sự kế thừa Nghị quyết 188, mở rộng cho tất cả tuyến đường sắt qua các tỉnh thành trong cả nước, cho phép TP HCM lựa chọn chính sách tối ưu”, ông Lâm nói.
Kêu gọi đầu tư theo hình thức TOD
Phát biểu và nhấn mạnh về các giải pháp triển khai các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt là phương thức kêu gọi vốn, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng khi TP HCM mở rộng địa giới hành chính, các tuyến đường sắt đô thị sẽ phải nối dài đến các vùng đô thị mới ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh thì vấn đề mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị cần được đặt ra với “phạm vi mới, tầm nhìn mới".
Cũng theo ông Được, hiện nay, Bộ Chính trị đã cho chủ trương điều chỉnh Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP HCM. Trong đó, sẽ cập nhật những chủ trương lớn tại Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Do vậy, về quy hoạch, ông Được cho rằng theo quy hoạch đường sắt đô thị trước đây chỉ tính trong phạm vi TP HCM hiện hữu. Tuy nhiên, sắp tới, TP HCM mở rộng địa giới hành chính thì các tuyến phải nối dài đến các vùng đô thị mới như về Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh. Do đó, nếu có quy hoạch sớm sẽ dễ dàng kêu gọi đầu tư theo hình thức TOD (phát triển đô thị theo hệ thống giao thông công cộng).
Về phương án tài chính, ông Được phân tích: trên thực tế nếu chỉ dùng ngân sách thì không đáp ứng yêu cầu, không hiệu quả và không có quốc gia nào trên thế giới chỉ dùng ngân sách để đầu tư đường sắt đô thị. Do đó, ông Được cho rằng cần tập trung quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, kết hợp vốn ODA (khắc phục những bất lợi trước đây), để huy động nguồn vốn,
“Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hệ thống đường sắt đô thị, UBND TP HCM đón 3 - 4 nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu như như Tập đoàn Gamuda quan tâm tuyến Thủ Thiêm – Long Thành, Tập đoàn Vingroup làm tuyến kết nối quận 7 xuống Cần Giờ. Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có một số nhà đầu tư quan tâm đấu thầu, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có nhà đầu tư làm nghiên cứu tiền khả thi kết nối xuống Đồng Nai. Vì vậy, nếu có cơ chế, chính sách tốt sẽ đầu tư mạng lưới đường sắt sớm hơn, trong đó nguồn vốn tư nhân rất quan trọng”, Chủ tịch Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Trước đó,ngày 10/12/2024, tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP HCM, Giám đốc Sở GTVT TP HCM (n ay là sở Xây dựng), trình bày đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Theo đó, TP HCM cân đối lại mục tiêu phân kỳ đến năm 2035 nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.
Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2045, địa phương xây dựng hoàn thành thêm 155 km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510 km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân.
Như vậy, mục tiêu đề ra lần này có sự tăng cao so với mục tiêu đã trình, thay vì phải thực hiện 3 giai đoạn (đến năm 2060) thì rút ngắn còn 2 giai đoạn (đến năm 2045) sẽ hoàn thành 510 km.
Về tổng mức đầu tư sơ bộ, đề án trước dự kiến cần 37,2 tỉ USD để thực hiện 6 tuyến vào năm 2035, còn đề án mới cần 40,2 tỉ USD để thực hiện 7 tuyến.
Trên cơ sở quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, công nghệ dự kiến lựa chọn, suất vốn đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí khác có liên quan, đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 40,21 tỉ USD.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 6,1 tỉ USD; chi phí xây dựng hơn 17,6 tỉ USD; chi phí thiết bị và phương tiện hơn 7 tỉ USD; chi phí quản lý dự án hơn 3,8 tỉ USD; chi phí dự phòng hơn 5,5 tỉ USD.