Nghị quyết 68-NQ/TW: “Cú hích” thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ là một văn kiện chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, mà còn là “cú hích thể chế lịch sử”
Lời hiệu triệu quốc gia nhằm kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mang tầm vóc chiến lược, chiều sâu tư duy và sự đồng bộ trong hành động.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Huy - CEO giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) - trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Với hàng loạt chính sách như miễn, giảm thuế, hỗ trợ đất đai, thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Nghị quyết 68-NQ/TW được đánh giá là một động lực quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp. Ông nhận định thế nào về đánh giá này?
Nghị quyết 68 không đơn thuần là một văn kiện chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Đó là một “cú hích thể chế lịch sử”, một lời hiệu triệu quốc gia hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mang tầm vóc, chiều sâu và tính đồng bộ chiến lược – nơi tư duy đổi mới không chỉ là lựa chọn, mà là tất yếu để dân tộc vươn lên trong thời đại kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu bất định.
Điểm cốt lõi của Nghị quyết là sự chuyển dịch tư duy: khởi nghiệp không chỉ để làm giàu – mà để phụng sự quốc gia. Khu vực tư nhân không còn đứng bên lề, mà là một động lực chiến lược cho kinh tế Việt Nam vươn mình trong thế kỷ XXI.
Tầm nhìn sâu xa nhất của Nghị quyết số 68-NQ/TW không nằm ở những con số, mà ở tư tưởng phụng sự quốc gia thông qua hành động khởi nghiệp: Khởi nghiệp hôm nay không chỉ vì lợi nhuận, mà vì giải quyết các bài toán lớn của đất nước: nông nghiệp bền vững, chuyển đổi năng lượng, tài chính bao trùm, y tế công nghệ, giáo dục tương lai…
Những startup này cần được nhìn nhận là hạt giống của tương lai, và doanh nhân sáng tạo cần được xem là “chiến sĩ thời bình” – người đi đầu trong trận tuyến đổi mới đất nước.

- Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang lan tỏa ngày một lớn hơn trong những năm gần đây. Theo ông, đâu là chính sách các doanh nghiệp khởi nghiệp chờ đợi?
Từ ưu đãi đến hệ sinh thái, Nghị quyết số 68 không chỉ hỗ trợ – mà tạo nền móng cho phát triển bền vững với các chính sách đột phá mang tính chất “đòn bẩy chiến lược” như:
Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, hỗ trợ đất đai, thành lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Đây là những chính sách giải phóng năng lượng sáng tạo và giảm ma sát thể chế. Những rào cản lớn nhất về tài chính và hạ tầng khởi nghiệp đã bắt đầu được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã thể hiện được tư duy chính sách chuyển từ “cấp vốn” sang “trao quyền”.
Khác với các thế hệ hỗ trợ truyền thống, Nghị quyết số 68 hướng đến việc trao quyền làm chủ, quyền thử nghiệm và quyền thất bại cho doanh nhân khởi nghiệp, đặc biệt thông qua: Mở rộng không gian pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho công nghệ mới; Kết nối startup với thị trường công, thị trường quốc tế; Thúc đẩy xúc tiến thương mại thường xuyên, xuyên biên giới, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các hợp đồng đầu ra – chứ không chỉ dừng lại ở hội thảo, giới thiệu sản phẩm.
- Để tiếp thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong thời gian tới, theo ông, cần làm gì để sớm thực hiện hoá tinh thần Nghị quyết?
Từ Nghị quyết đến hành động – từ khởi nghiệp đến thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Nghị quyết 68 không chỉ là chính sách – mà là tuyên ngôn phát triển, là “điểm khởi hành” của một kỷ nguyên khởi nghiệp kiến quốc mới.
Để hiện thực hóa, chúng ta cần sớm thể chế hóa nhanh, sâu, rộng và thông minh; Giao quyền cho địa phương xúc tiến thương mại chủ động và kết nối thị trường toàn cầu; Xây dựng mô hình cộng sinh giữa startup và doanh nghiệp lớn; Xây dựng lực lượng CEO tinh hoa – có tư duy toàn cầu, tầm nhìn dân tộc, và năng lực đổi mới.
Bên cạnh đó, cần hình thành tư duy “cộng sinh doanh nghiệp” thay vì “tự lực cánh sinh”. Khởi nghiệp không nên là hành trình đơn độc, vì vậy Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa theo hướng định hướng startup phát triển trong hệ sinh thái cộng sinh với các doanh nghiệp lớn – nơi các “tập đoàn đầu tàu” trở thành: Vườn ươm thực tiễn, hỗ trợ công nghệ, thị trường và vốn mồi; Đối tác chiến lược, nhận chuyển giao sản phẩm, tích hợp vào chuỗi giá trị; Nhà bảo trợ thương mại, tạo ra “hệ sinh thái mở” giúp startup phát triển từ trong ra ngoài.
Cần định danh những doanh nghiệp mang “sứ mệnh bệ đỡ” cho startup – được hưởng cơ chế ưu đãi riêng về thuế, đất đai, tín dụng, đấu thầu… nếu tích cực đóng vai trò “vườn ươm hệ sinh thái”.
Chỉ khi khởi nghiệp không còn là “phong trào”, mà trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế mới, một ý chí phát triển mới và một bản lĩnh quốc gia mới, thì Việt Nam mới có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng đột phá, chủ động dẫn dắt tương lai.
- Trân trọng cảm ơn ông!