Kinh tế

Yêu cầu giải ngân 100% đầu tư công: Mệnh lệnh và khát vọng

Lê Trà My 23/05/2025 05:00

“Có tiền mà không tiêu được” - câu nói ngỡ như đùa ấy lại là một thực trạng đau đáu của nền kinh tế Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Trong bối cảnh đất nước đang khẩn trương bước vào giai đoạn tăng tốc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, bài toán giải ngân đầu tư công chậm không còn là chuyện riêng của từng bộ, từng ngành hay địa phương nữa. Đây là một điểm nghẽn chiến lược cần được tháo gỡ ngay lập tức.

Không chỉ là yêu cầu, lần này, đó là một mệnh lệnh quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ: giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Căn bệnh kinh niên

Chậm giải ngân đầu tư công - một cụm từ đã không còn xa lạ. Nó đã và đang là “căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế Việt Nam. Bệnh nằm ở chỗ: tiền có sẵn, dự án đã duyệt, nhưng tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ. Ngân sách nhà nước một mặt không đủ để tài trợ cho hàng loạt dự án cấp thiết, mặt khác lại đang tồn đọng hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được “đưa vào cuộc sống”. Đó là nghịch lý, là sự lãng phí nguồn lực hiếm có.

Thậm chí, sự nghịch lý càng trầm trọng hơn nếu nhìn nhận vai trò của đầu tư công trong tổng thể nền kinh tế. Đây là một trong những “đầu kéo” chính giúp tăng trưởng GDP, kích hoạt đầu tư tư nhân, tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dẫu vậy, theo báo cáo tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 vừa diễn ra, tính đến ngày 30/4/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 15,56% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tính đến nay, còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 8 nghìn tỷ đồng, phải phân bổ hết trong tháng 5. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp.

Con số trên như một lời cảnh tỉnh về khoảng cách lớn giữa ý chí và hành động, giữa quyết tâm và triển khai thực tế. Sự chậm trễ trong giải ngân đồng nghĩa với việc hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm bị đội vốn, chậm tiến độ, từ đó làm suy giảm động lực tăng trưởng và kìm hãm các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Mệnh lệnh từ người đứng đầu Chính phủ

Chưa khi nào, vấn đề giải ngân đầu tư công lại nhận được chỉ đạo mạnh mẽ và rõ ràng đến vậy. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 là bắt buộc, nhằm tạo việc làm, sinh kế cho người dân, mở rộng không gian phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích hoạt các nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Không chỉ các bộ, ngành trung ương, mà cả bí thư cấp ủy địa phương cũng phải trực tiếp chỉ đạo các dự án phức tạp, linh hoạt sáng tạo trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các bộ chuyên ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng... nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn, sửa đổi quy định, tháo gỡ những nút thắt thể chế đang cản trở quá trình giải ngân.

Chính phủ cũng yêu cầu mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền cho địa phương triển khai dự án hạ tầng; lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự, tránh tình trạng "rút ruột công trình", thi công kéo dài. Bên cạnh đó, giảm thiểu tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, kiểm soát nghiêm ngặt số lượng dự án trong kế hoạch trung hạn, giữ vững trần dưới 3.000 dự án trong kỳ tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ thể hiện quyết tâm bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã được ông trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo sát sao. Có những công trình Thủ tướng thị sát tới 5 - 7 lần. Đặc biệt, câu chuyện thần tốc của dự án đường dây 500kV mạch 3 là một minh chứng sống động.

Dự án vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, kết nối điện từ miền Trung ra miền Bắc, từng được xem là bất khả thi hoàn thành trong vòng 6 tháng. Nhưng với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, cùng tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi"..., dự án đã về đích đúng hạn. Không chỉ là một kỷ lục kỹ thuật, quản trị, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà đầu tư quốc tế: Việt Nam có thể làm được, nếu quyết tâm chính trị được cụ thể hóa đến tận công trường.

Đây là cách làm cần nhân rộng. Đó là mô hình chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống, kiểm tra từ dưới lên, không buông lỏng giữa các tầng nấc hành chính. Giải ngân đầu tư công muốn đạt 100% trong năm nay, cần thiết phải có những "bàn tay chỉ huy" tương tự cho hàng trăm công trình lớn nhỏ trên cả nước.

Không còn đường lùi, phải thực hiện bằng mọi giá

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên trung bình. Trong đó, một số đơn vị được giao vốn lớn và có tỉ lệ giải ngân cao như: Bộ Quốc phòng (giao trên 23 nghìn tỷ, giải ngân đạt 16,3%), Bộ Công an (giao 4,1 nghìn tỷ, giải ngân đạt 27,3%), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (giao 22,3 nghìn tỷ, giải ngân đạt 16,6%), Thanh Hóa (giao 13,3 nghìn tỷ, giải ngân đạt 39,2%); Hà Nam (giao 10,6 nghìn tỷ, giải ngân đạt 38,4%), Lâm Đồng (giao 7,24 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 30,1%), Bà Rịa-Vũng Tàu (giao 13,8 nghìn tỷ đồng, lệ giải ngân đạt 26,6%). Những con số này cho thấy vấn đề không nằm ở cơ chế duy nhất, mà ở cách triển khai, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

Chúng ta không thiếu kinh phí, không thiếu dự án, càng không thiếu nhân lực. Cái thiếu là sự thống nhất trong hành động, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cái cần là quyết liệt trong tổ chức thực hiện, là tinh thần “nói ít làm nhiều”.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời không chỉ góp phần vào tăng trưởng trước mắt, mà còn là sự đầu tư cho tương lai: nâng cấp hạ tầng, mở rộng không gian phát triển vùng, kết nối logistics, và khơi thông chuỗi cung ứng. Đây là “vốn mồi” quan trọng để khuyến khích đầu tư tư nhân, cả trong và ngoài nước.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của những bước chuyển mình quan trọng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao không chỉ là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa bằng loạt nghị quyết, chiến lược phát triển đột phá.

Trong đó, giải ngân đầu tư công là phép thử cho năng lực tổ chức và điều hành vĩ mô. Nếu không vượt qua được bài toán tưởng dễ mà lại khó này, thì khó có thể hy vọng vào những mục tiêu cao xa hơn.

Thủ tướng từng nói: Không có lý do gì không giải ngân 100% vốn đầu tư công. Lý do khách quan, chủ quan, vướng mắc pháp lý hay thiếu nhân lực chỉ còn là biện minh nếu chúng ta không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.

Thành công của dự án đường dây 500kV mạch 3 là lời khẳng định: khi cả hệ thống vào cuộc, khi người đứng đầu hành động, thì không gì là không thể. Giải ngân đầu tư công năm 2025 sẽ là một cuộc “thi đua hành động” thực sự - nơi các địa phương, bộ ngành không chỉ cam kết mà phải chứng minh bằng kết quả cụ thể.

Không còn thời gian để chần chừ. Không còn chỗ cho sự chậm trễ. Giải ngân đầu tư công không chỉ là chuyện kinh tế, mà là một cam kết chính trị, là trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, với đời sống của hàng triệu người dân đang chờ đợi những con đường, cây cầu, bệnh viện, trường học từ nguồn vốn đầu tư ấy.

Chúng ta đã có tiền. Đã có mục tiêu. Điều cần lúc này là ý chí và hành động đồng bộ từ trên xuống dưới, để “tiền” không chỉ nằm trên giấy, mà đi vào công trình, vào cuộc sống.

Lê Trà My