“Cơn lũ” đa cấp phơi lộ “vùng mù” thể chế - Kỳ 1: Cuộc “xâm lăng” không dấu vết
Không phép, không trụ sở, không cảnh báo. Nhưng trong bóng tối của thể chế, một mạng lưới đa cấp vô hình đã lặng lẽ nuốt trọn 9.000 người và hàng nghìn tỉ đồng…
Dù không có giấy phép, không nằm trong hệ thống doanh nghiệp được giám sát, không xuất hiện trong bất kỳ cảnh báo chính thức nào từ cơ quan chức năng. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, một mạng lưới ngầm do người nước ngoài điều hành đã lôi kéo hơn 9.000 người tham gia và vận hành dòng tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng, ngay giữa lòng một thể chế được cho là đang siết chặt quản lý đa cấp biến tướng.
Đáng báo động hơn, đó không phải là một đường dây đơn lẻ, mà là biểu hiện rõ nét của một thực trạng: Những mô hình xâm nhập phi pháp ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng lại dễ dàng lọt qua các kẽ hở pháp lý và khoảng trống giám sát.
Từ vụ án Ame Global, Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện loạt bài “Cơn lũ” đa cấp phơi lộ “vùng mù” thể chế, nhằm bóc tách bản chất hoạt động, chỉ ra những lỗ hổng quản lý và làm rõ trách nhiệm giám sát. Mỗi kỳ báo không chỉ nhằm phản ánh, mà còn là lời cảnh tỉnh với hệ thống pháp luật trong bối cảnh các mô hình lừa đảo đang ngày càng ẩn danh và tinh vi.
Mạng lưới không phép và những dấu hiệu lặp lại

Mới đây, thông tin về mạng lưới kinh doanh đa cấp trái phép có tên Ame Global bị Công an tỉnh Lạng Sơn triệt phá tiếp tục khiến dư luận “choáng váng”. Cơ quan chức năng cho biết, người cầm đầu mạng lưới này là Huang Wen Yen - một người Đài Loan, điều hành hệ thống thông qua website www.ameglobal888.com, hứa hẹn “tiêu dùng sinh lời” và “thu nhập thụ động”.
Tính đến thời điểm bị bắt giữ, mạng lưới đa cấp trá hình này đã có hơn 9.000 người tham gia, trong đó chủ yếu là người Việt (hơn 7000 người), dòng tiền hàng nghìn tỉ đồng xoay chuyển qua tài khoản cá nhân và các tầng nhị phân.
Tại Việt Nam, Công ty TNHH WIN ALL (TP.HCM) là đại diện chính thức. Dù không được cấp phép hoạt động đa cấp nhưng doanh nghiệp này vẫn tổ chức hệ thống trả thưởng nhiều tầng, núp bóng phân phối thực phẩm chức năng. Việc vận hành mô hình này gần như không để lại dấu vết pháp lý – không công khai sơ đồ tài chính, không có hợp đồng cam kết, và cũng không xuất hiện trong danh sách các doanh nghiệp đa cấp được quản lý.
Thực tế, Ame Global không phải là trường hợp đầu tiên. Năm 2016, vụ Liên Kết Việt khiến gần 70.000 người sập bẫy, thiệt hại hơn 1.900 tỉ đồng. Đến năm 2021, Lion Group – một mạng lưới huy động vốn trá hình cũng bị triệt phá sau khi lan rộng qua mạng xã hội và các nền tảng đầu tư ảo. Cả hai vụ việc đều cho thấy một quy luật: mô hình lừa đảo ngày càng thay vỏ, đổi tên, và tận dụng triệt để kẽ hở pháp lý để tồn tại âm thầm trong thời gian dài.

Chính những điểm tương đồng ấy đặt ra câu hỏi lớn: Vì sao pháp luật lại không chạm tới được những mô hình biến tướng mới, dù chúng không hề ẩn giấu cách thức vận hành?
Những “vùng mờ” chưa có trong văn bản
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, vấn đề đáng đặt ra không phải là Ame Global vi phạm gì, bởi điều đó quá rõ.
“Điều nghiêm trọng hơn là: bằng cách nào một mô hình vận hành đúng bản chất đa cấp, có nền tảng số, có pháp nhân tại Việt Nam lại không bị giám sát suốt một thời gian dài. Điều này cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành chưa đủ độ phủ để nhận diện mô hình biến tướng”, luật sư Nguyễn Đức Biên phân tích.

Lý giải rõ hơn, luật sư Biên cho biết, Nghị định 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 18/2023/NĐ-CP) hiện mới chỉ quản lý các doanh nghiệp đã đăng ký, có hồ sơ, có sơ đồ trả thưởng được thẩm định. Trong khi đó, những mô hình hoạt động ngầm qua nền tảng số, trả thưởng bằng mã giới thiệu, không phát sinh hợp đồng thì lại nằm ngoài vùng tiếp cận pháp lý. Và đó chính là lỗ hổng mà các mạng lưới như Ame Global đang tận dụng.
Khoảng cách giữa luật trên giấy và hành vi ngoài thực địa đang bị các tổ chức tinh vi biến thành hành lang hoạt động. Luật vẫn đang kiểm soát những gì đã được khai báo, trong khi các mô hình mới lại sống nhờ việc lẩn tránh khai báo.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cũng nhấn mạnh, các mạng lưới như Ame Global không cần tự xưng là đa cấp, nhưng hành vi thì không khác gì: tuyển người – thu tiền – trả thưởng theo tầng.
“Cái khéo của họ là tránh mọi hình thức cần đăng ký, né toàn bộ các quy trình giám sát chính thức. Họ hoạt động đúng ngay trong khoảng trống mà luật chưa đặt tên”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nêu quan điểm.

Theo luật sư Hiệp, Nghị định 40 hiện không yêu cầu kê khai nền tảng kỹ thuật số, cũng không có cơ chế bắt buộc công khai hệ thống trả thưởng nếu doanh nghiệp không nhận mình là đa cấp. Điều này tạo ra vùng mù pháp lý – nơi hành vi có thật nhưng không có đối tượng quản lý cụ thể.
Khi hành vi đã số hóa nhưng công cụ quản lý vẫn dừng ở hồ sơ giấy, mô hình biến tướng không cần lẩn trốn, vì chính thể chế đang bỏ sót chúng. Cuối cùng, chính điều đó lý giải vì sao Ame Global – một mạng lưới không phép, không cảnh báo lại có thể công khai tồn tại, lôi kéo hàng nghìn người mà không hề bị chạm tới cho đến khi hậu quả đã rõ hình hài.
Những gì đã xảy ra với Ame Global chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh phức tạp của những mô hình lừa đảo biến tướng. Khi luật pháp còn đang loay hoay trong vùng sáng thì hành vi đã lặng lẽ trôi trong vùng tối.
Những khoảng mờ pháp lý, sự bất lực trong giám sát và tình trạng “trách nhiệm rơi vào khoảng trống” sẽ được Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục phân tích trong các kỳ tiếp theo.
Còn nữa…