Thống nhất phương án chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế
Hải Phòng và Hải Dương vừa thống nhất phương án chuyển đổi số khi hợp nhất, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Xây dựng phương án đồng bộ các hệ thống
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng và Hải Dương vừa ký kết biên bản ghi nhớ về phương án triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số khi hợp nhất 2 địa phương.
Theo đó, ngoài 12 hệ thống ứng dụng dùng chung đã được rà soát, đánh giá, hai bên tiếp tục thống nhất phương án đối với hệ thống, hạng mục phát sinh, các tiêu chí để lựa chọn giải pháp công nghệ và xây dựng phương án đồng bộ các hệ thống, bảo đảm khi sáp nhập tỉnh sẽ đưa các hệ thống vào hoạt động ngay, không bị gián đoạn dịch vụ.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, 2 bên đã thống nhất nhiều nội dung then chốt trong quá trình xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Theo đó, 2 bên thống nhất rà soát hệ thống tổ chức, thông tin thủ tục hành chính giữa hai địa phương để bảo đảm kết nối, vận hành đồng bộ, thông suốt giữa các cấp; xây dựng phương án tích hợp cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phân công đầu mối, lộ trình thực hiện và bảo đảm an toàn thông tin. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, hợp nhất kế hoạch chuyển đổi số, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị để áp dụng cho đơn vị hành chính mới.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), công nghệ tài chính (Fintech), điện toán đám mây (Cloud)… để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao. Đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong của Hải Dương và Hải Phòng trong việc định hình chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực.

Theo ông Hùng, đây cũng là các giải pháp ưu việt mang đến hiệu quả thiết thực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất, vận hành, cung cấp dịch vụ, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với các thế mạnh của địa phương.
Hướng tới xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo vùng
Thực tế, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số là chiến lược xuyên suốt, bao trùm, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của Hải Phòng và Hải Dương.
Hải Dương là một trong những tỉnh đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, trong bối cảnh tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và chuẩn bị các điều kiện để hợp nhất với TP Hải Phòng, Hải Dương đang tăng tốc thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Còn tại Hải Phòng, địa phương này cũng chú trọng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số mạnh, đóng vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến trong nền kinh tế số. Địa phương này xác định 5 nhóm ngành ưu tiên thúc đẩy kinh tế số gồm: thương mại điện tử, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh và công nghệ thông tin – truyền thông (ICT). Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng Internet vạn vật (IoT) và triển khai đồng bộ các tiện ích số cũng được Hải Phòng đẩy mạnh trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
TP Hải Phòng cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 35% GRDP. Kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%. Thương mại điện tử chiếm trên 15% tổng mức bán lẻ. Ngoài ra, Hải Phòng cũng hướng tới đạt tỷ lệ trên 0,7 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân, 85% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, hơn 50% người trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân và 80% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử VNeID. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế hiện đại, bền vững của Hải Phòng.
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đang tạo nên diện mạo mới cho hành chính công và kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng chuẩn bị sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Cao Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương, Hải Dương đã và đang từng bước phát triển nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thông qua việc triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng chuẩn bị sáp nhập, hướng tới xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, đây sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Còn ông Nguyễn Cao Lân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang tích cực rà soát, xây dựng ban hành Kế hoạch hành động chung của thành phố trên cơ sở khung kế hoạch thống nhất theo chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, nhằm bảo đảm tính chiến lược, tổng thể, toàn diện, thống nhất, đồng bộ và cụ thể trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại địa phương.