Công nghệ

Vẫn còn nhiều thách thức cho doanh nghiệp khi ứng dụng AI

Tuấn Vỹ 23/05/2025 10:18

Doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như thiếu nhân lực, hạn chế kỹ năng, kiến thức,...

Sáng ngày 23/5, Sở Tài chính TP Đà Nẵng tổ chức Chương trình đào tạo “Tối ưu chi phí, nâng cao hiệu suất doanh nghiệp thông minh ứng dụng AI”. Chương trình nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) cho các giám đốc, người quản lý doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong việc tối ưu chi phí, nâng cao hiệu suất điều hành doanh nghiệp, đặc biệt nhằm mục đích mang lại những hiểu biết, ứng dụng thực tiễn, có thể giúp doanh nghiệp trải nghiệm và ứng dụng AI hiệu quả hơn trong xu thế mới.

ugndungai.jpg
Chương trình đào tạo “Tối ưu chi phí, nâng cao hiệu suất doanh nghiệp thông minh ứng dụng AI” do Sở Tài chính TP Đà Nẵng tổ chức sáng ngày 23/5.

Khai mạc chương trình, ông Đặng Đình Đức – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho hay trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, chuyển đổi số không còn là một xu hướng, mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu và cấp bách đối với từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng ngành, từng lĩnh vực. Theo ông Đức, doanh nghiệp đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang định hình lại toàn bộ cách thức quản trị, sản xuất và vận hành của doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân chính là ba trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những đột phá chiến lược nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, và chất lượng tăng trưởng trong thời kỳ mới. Đây là định hướng lớn, mang tầm quốc gia, và là kim chỉ nam để các cấp chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng hành động”, ông Đức nói.

ongduc.jpg
Ông Đặng Đình Đức – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Đà Nẵng khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng, tiếp cận công nghệ, và quan trọng nhất là ứng dụng AI một cách thực tiễn, hiệu quả trong điều hành, vận hành.

Theo vị này, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong công cuộc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Trong hành trình thực hiện các nghị quyết quan trọng đó, phía đơn vị quản lý nhận thức rằng doanh nghiệp chính là lực lượng tiên phong và là động lực then chốt để chuyển đổi số thành công. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng, tiếp cận công nghệ, và quan trọng nhất là ứng dụng AI một cách thực tiễn, hiệu quả trong điều hành, vận hành và phát triển doanh nghiệp.

“Sở Tài chính cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Hội doanh nhân trẻ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Mỗi doanh nghiệp sẽ mang về giải pháp thực tiễn, chiến lược phù hợp và cảm hứng hành động mạnh mẽ”, ông Đức nói thêm.

Với Đà Nẵng, mục tiêu đến năm 2030 địa phương này sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; Chỉ số chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, an toàn thông tin mạng, thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu; Kinh tế số chiếm 35-40% GRDP; Có ít nhất 01 doanh nghiệp công nghệ số (15.000 nhân lực hoặc doanh thu 02 tỷ USD/năm); Làm chủ và sử dụng một số công nghệ.

Tầm nhìn đến 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số và đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Đông Nam Á; Chính quyền chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ và giao dịch với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số; Kinh tế số chiếm tối thiểu 60% GRDP; Có 02 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

gstrung.jpg
Giáo sư Đinh Toàn Trung - Trưởng ban chiến lược CLB Đào tạo Tư vấn doanh nhân trẻ Việt Nam lưu ý điều kiện để triển khai ứng dụng AI vào doanh nghiệp thành công là phải có kết nối chiến lược AI vào chiến lược công ty.

Về phía doanh nghiệp, Giáo sư Đinh Toàn Trung - Trưởng ban chiến lược CLB Đào tạo Tư vấn doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định ứng dụng AI có thể mang lại những đột phá lớn như gia tăng hiệu quả vận hành; Nâng cao hiệu suất nhân sự; Quản trị tài chính và kiểm soát rủi ro; Giao tiếp nội bộ và quản trị tri thức; Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; Hỗ trợ ra quyết định chiến lược. Cụ thể, doanh nghiệp có thể ứng dụng AI ở những lĩnh vực như tối ưu hóa chuỗi cung ứng và kho vận hành; Hoạt động sản xuất - vận hành nhà máy; Ứng dụng trong bán hàng/marketing / chăm sóc khách hàng; Hỗ trợ quản trị nhân sự và đào tạo 5)Hỗ trợ ra quyết định và quản lý doanh nghiệp,...

Tuy nhiên, Giáo sư Trung cũng lưu ý điều kiện để triển khai ứng dụng AI vào doanh nghiệp thành công là phải có kết nối chiến lược AI vào chiến lược công ty. Cùng với đó, doanh nghiệp buộc phải xây dựng hạ tầng dữ liệu, có nguồn nhân lực phù hợp để ứng dụng công nghệ.

“Ngoài ra, các danh nghiệp cũng cần phải có đối tác công nghệ để có thể trao đổi, chuyển giao, hỗ trợ nhau. Hơn hết, cần có cam kết của ban lãnh đạo công ty triển khai các chiến lược, hoạt động cụ thể, từ đó AI mới có thể phát huy hết tác dụng”, Giáo sư Đinh Toàn Trung nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Công Thương – Phó Giám đốc Khối dữ liệu ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp khi ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn thiếu chuyên gia Data và AI, hạn chế kỹ năng phân tích, thiếu am hiểu dữ liệu và nghiệp vụ.

Về dữ liệu, doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với vấn đề về chất lượng dữ liệu thấp, thiếu chuẩn hóa, trục trặc về vấn đề bảo mật. Cùng với đó là hạ tầng công nghệ hiện nay đã cũ không tương thích, chi phí đầu tư mới khá cao, doanh nghiệp sử dụng vẫn còn phụ thuộc vào nhà cung cấp.

“Đặc biệt, doanh nghiệp vẫn thiếu định hướng chiến lược rõ ràng, doanh nghiệp sử dụng AI vẫn rất khó để đo lường hiệu quả, không có KPI rõ ràng. Cùng với đó, vẫn có hiện tượng kháng cự sự thay đổi, thiếu cam kết từ lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Thương dẫn giải.

Để triển khai AI thành công, vị này cho lời khuyên doanh nghiệp cần đầu tư cho dữ liệu, hạ tầng công nghệ, con người và quy trình, chiến lược rõ ràng. Theo đó, cần bắt đầu bằng việc sẵn sàng dữ liệu và có tác động kinh doanh cao, tiếp đến đầu tư đồng thời vào con người – dữ liệu – công nghệ. Cuối cùng là kết hợp với chuyên gia AI bên ngoài khi cần thiết.

Tuấn Vỹ