Kinh tế thế giới

"Cú sốc" mới với giáo dục Mỹ

Nam Trần 24/05/2025 03:33

Chính quyền Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh sinh viên quốc tế khiến hàng trăm trường đại học khác ở Mỹ lo ngại về nguy cơ bị mất quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế.

harvard.jpg
Đại học Harvard không còn được phép tuyển sinh sinh viên quốc tế (Ảnh: CBS)

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, giấy chứng nhận chương trình sinh viên và trao đổi (SEVP) của Đại học Harvard đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc sinh viên quốc tế sẽ không còn hợp pháp để học tập tại trường. Những sinh viên đang theo học bắt buộc phải chuyển trường hoặc đối mặt với việc mất tình trạng cư trú hợp pháp tại Mỹ.

Lý do gây tranh cãi

Lý do được Nhà Trắng đưa ra là ĐH Harvard có "môi trường khuôn viên không an toàn" và các cáo buộc liên quan đến mối liên hệ giữa nhà trường này với chính quyền Trung Quốc.

Lệnh cấm này giáng một đòn nặng nề lên ĐH Harvard - không chỉ về mặt tài chính mà còn làm lung lay danh tiếng toàn cầu của ngôi trường danh giá bậc nhất nước Mỹ. Trước đó, chính quyền Trump đã đóng băng hơn 2,6 tỷ USD tài trợ liên bang cho ĐH Harvard và đe dọa thu hồi quyền miễn thuế, vốn là một trong những trụ cột tài chính của các trường đại học tư thục Mỹ.

Theo số liệu của ĐH Harvard, hiện có gần 6.800 sinh viên quốc tế đang theo học, chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên, tăng mạnh so với mức 19,6% năm 2006. Ngoài khoản học phí cao, sinh viên quốc tế còn đóng góp lớn cho nền kinh tế khu vực, đặc biệt là các ngành dịch vụ, y tế, và công nghệ sinh học của bang Massachusetts.

Tác động kinh tế không chỉ dừng lại ở trường Harvard, mà còn lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái khu vực dựa vào sức hút của trường — từ nhà hàng, cửa hiệu, đến các viện nghiên cứu, bệnh viện và doanh nghiệp công nghệ.

Trong tuyên bố chính thức, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cáo buộc lãnh đạo ĐH Harvard đã để cho các "phần tử kích động chống Mỹ, ủng hộ khủng bố" quấy rối và tấn công sinh viên khác, đặc biệt là sinh viên Do Thái.

Cuộc khủng hoảng của ĐH Havard bắt nguồn từ làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 và phản ứng quân sự của Israel tại Dải Gaza. ĐH Harvard cùng nhiều trường đại học khác bị chỉ trích vì không kiểm soát được tình trạng bài Do Thái trong khuôn viên.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong nỗ lực thể hiện lập trường cứng rắn với chủ nghĩa bài Do Thái và ảnh hưởng của Trung Quốc, đã mở rộng cuộc tấn công sang các chương trình đa dạng văn hóa, tuyển sinh và tuyển dụng giảng viên tại các trường đại học hàng đầu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này không đơn thuần là vì lý do an ninh, mà là một phần trong chiến lược chính trị của ông Trump để giành lại sự ủng hộ của cử tri bảo thủ trước cuộc bầu cử 2026. Việc công kích các "thành trì trí thức tự do" như Harvard được xem là cách hiệu quả để khơi dậy cảm xúc dân túy.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem cho rằng việc cho phép sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ là "đặc quyền chứ không phải quyền lợi", và các trường đại học không nên lạm dụng điều này để thu lợi tài chính từ nguồn học phí cao mà bỏ qua các giá trị và an ninh quốc gia.

Harvard 2
Chính quyền Tổng thống Donald Trump nêu lý do như "không kiểm soát được sinh viên" và "thiên tả" để trừng phạt ĐH Harvard (Ảnh: AFP)

Phản ứng mạnh mẽ từ Harvard

ĐH Harvard đã phản đối gay gắt quyết định của chính phủ, gọi đây là hành động "phi pháp và mang tính trừng phạt". Trong thông cáo báo chí, đại diện ĐH Harvard nhấn mạnh cam kết giữ vững vai trò quốc tế của Harvard, với sinh viên và học giả đến từ hơn 140 quốc gia.

Hiệu trưởng ĐH Harvard Alan Garber đã gửi lời kêu gọi đến các cựu sinh viên đóng góp vào quỹ khẩn cấp nhằm duy trì hoạt động cốt lõi của nhà trường, từ giảng dạy, nghiên cứu, đến duy trì cơ sở vật chất.

Động thái từ chính quyền Trump đã gây ra làn sóng phản ứng từ cộng đồng học thuật. Ông Robert Shireman, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục dưới thời Tổng thống Obama, chỉ trích đây là hành động “nhằm bóp nghẹt quyền tự do học thuật và trao đổi quốc tế”. Theo ông, sinh viên quốc tế mang lại lợi ích to lớn cho nước Mỹ — từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đến củng cố mối quan hệ quốc tế.

Với quỹ tài sản lên đến 53 tỷ USD, ĐH Harvard có thể trụ vững trong thời gian ngắn, nhưng nếu lệnh cấm kéo dài, tổn thất về tài chính và nhân lực sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, nó cũng đặt ra một tiền lệ nguy hiểm: Chính phủ có thể can thiệp trực tiếp vào hoạt động nội bộ của các trường đại học vì lý do chính trị.

Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến ĐH Harvard, mà còn khiến hàng trăm trường đại học khác lo ngại trước viễn cảnh bị mất quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế — một nguồn lực không thể thiếu về cả kinh tế, học thuật lẫn văn hóa.

Sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế giáo dục Mỹ, không chỉ vì họ thường phải trả mức học phí cao hơn so với sinh viên trong nước, mà còn vì họ đóng góp đáng kể của họ vào nền kinh tế thông qua chi tiêu cho sinh hoạt, nhà ở và các dịch vụ khác.

Báo cáo Open Doors 2024 do Viện Giáo dục quốc tế (IIE) công bố cho thấy cộng đồng này đóng góp hơn 50 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhau chiếm tới 54% tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.

Nam Trần