BYD “đánh bại” nhiều đối thủ như thế nào?
Bất chấp rào cản thuế quan lớn hơn so với các đối thủ, hãng xe điện BYD lần lượt đánh bại Tesla, Fiat và Seat,…

Đầu tháng 11/2024, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp thuế cao nhất 45,3% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. BYD chịu thuế 17%, Geely là 18,8%, trong khi SAIC chịu mức cao nhất là 35,3%. Khi cộng thêm thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% của EU, các mức thuế suất này tăng lên lần lượt lên 27%, 28,8% và 45,3%.
Sau nửa năm, BYD vẫn tăng trưởng doanh số đều đặn tại “lục địa già”. Vào tháng 4, số lượng xe bán ra của gã khổng lồ xe điện Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua đối thủ Tesla. JATO Dynamics đánh giá “đây là một thời khắc quan trọng đối với thị trường ô tô của khu vực”.
Dữ liệu đăng ký xe mới cho thấy doanh số của BYD tại châu Âu đã tăng 359% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng kỳ, Tesla chứng kiếm thêm một tháng giảm doanh số, với tổng doanh số giảm 49%.
Theo Felipe Munoz, nhà phân tích ô tô toàn cầu tại JATO, mặc dù sự khác biệt giữa tổng doanh số hàng tháng của hai thương hiệu là tương đối nhỏ, nhưng tác động của việc BYD đánh bại Tesla là rất lớn. Bởi vì, châu Âu đang nổi lên như một chiến trường trọng tâm giữa BYD và Tesla.
Không dừng lại ở đó, BYD cũng đang vượt mặt các thương hiệu ô tô châu Âu đã thành danh trên khắp khu vực, ví dụ như Fiat và Seat của Pháp, mặc dù thương hiệu xe điện Trung Quốc chỉ mới mở rộng ra khỏi Na Uy và Hàn Lan cách đây 3 năm.
BYD vẫn thành công tại EU bất chấp việc khối này này áp dụng thuế trừng phạt đối với xe điện chạy bằng pin sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái. Tại thời điểm đó, thuế có vẻ có lợi cho Tesla.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù thuế quan có tác động ban đầu đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nhưng các công ty đã biết cách giảm thiểu tác động này bằng cách mở rộng và đa dạng hóa các dòng xe tại châu Âu, ví dụ giới thiệu xe hybrid.
Trung Quốc không chỉ là quốc gia thống trị thế giới về chuỗi cung ứng xe điện chạy thuần pin; các nhà sản xuất ô tô của nước này cũng dẫn đầu toàn cầu về xe hybrid.
Điều khác biệt giữa xe điện và xe hybrid là xe hybrid vẫn chưa bị EU áp dụng thuế quan. Không chỉ BYD biết kẻ hở này, nhưng để chuyển đổi công nghệ nhanh chóng, không phải đối thủ nào cũng có thể làm được.

Trước quyết định áp thuế của EU vào năm ngoái, Rhodium đã dự đoán rằng mức thuế sẽ cần phải cao tới 55% thì thị trường châu Âu mới trở nên khó khăn hơn đối với các nhà xuất khẩu xe điện Trung Quốc.
Tesla vướng phải rắc rối chính trị kể từ khi CEO Elon Musk đảm nhiệm công việc của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Xe điện Tesla bị khách hàng châu Âu tẩy chay để trả đũa những phát ngôn “động chạm” từ ông Musk.
Đi kèm với kết quả kinh doanh sa sút, cổ phiếu của Tesla đã giảm hơn 10%. Trong khi đó, cổ phiếu BYD tăng 3,9% trong phiên giao dịch tại Hồng Kông vào thứ Sáu và đã tăng khoảng 78% tính từ đầu năm đến nay.
Từ xe điện nói chung và BYD nói riêng, có thể thấy doanh nghiệp Trung Quốc sẽ khắc phục rào cản thuế quan bằng nội lực của chính họ. Đó là chuỗi cung ứng đầy đủ, linh hoạt, chi phí tối ưu và khả năng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.