Xoá sổ KCN Biên Hoà 1 để chuyển công năng theo hướng đô thị, thương mại, dịch vụ
Chậm nhất ngày 28/5/2025, phải hoàn thành ký biên bản đối với 45/68 doanh nghiệp đã kiểm đếm tài sản, và trước ngày 1/8 giải phóng ít nhất 90% mặt bằng của 180 hécta đất tại KCN Biên Hòa 1 (Đồng Nai).
Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, tại buổi làm việc với Tổ Chỉ đạo thực hiện công tác di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (KCN).

Chuyển công năng thành đô thị, thương mại, dịch vụ
Cụ thể, nhấn mạnh tại buổi làm việc với Tổ Chỉ đạo thực hiện công tác di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Khu công nghiệp Biên Hòa 1, ông Thái Bảo - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cho rằng đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp bách. Thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ họp với Tổ Chỉ đạo 2 tuần 1 lần để nắm bắt kết quả, tiến độ, khó khăn vướng mắc. Hàng tuần, UBND tỉnh phải làm việc với các tổ công tác đặc biệt về giải phóng mặt bằng, đấu giá đất để nắm bắt tiến độ các nhiệm vụ, những việc đã xử lý và chưa xử lý, nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổ Chỉ đạo để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Như vậy, so với yêu cầu trước đó, thời gian phải hoàn thành giải phóng mặt bằng các khu đất ưu tiên thu hồi trước được rút ngắn 25 ngày.
“Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính sớm tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 5/2/2024 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Trọng tâm là điều chỉnh thời gian hoàn thành giải phóng mặt đối với các khu đất ưu tiên (khoảng 180 hécta); xây dựng lại đường găng tiến độ dự án; điều chỉnh cục bộ khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Do đó, yêu cầu chậm nhất ngày 28-5, phải hoàn thành ký biên bản đối với 45/68 doanh nghiệp đã hoàn thành kiểm đếm tài sản; ngày 5-6 phải hoàn thành kiểm đếm tài sản đối với tất cả doanh nghiệp còn lại. Trước ngày 30-6 phải công khai niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp; hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với 255 hộ dân” - ông Bảo nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Đảng ủy UBND tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1, ban hành kế hoạch làm việc của tổ. Thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật xây dựng, đất đai, thuế, phòng cháy chữa cháy, môi trường và thực hiện kiểm tra từ ngày 22-5. Tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tự nguyện di dời, bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến công tác kiểm đếm, ông Mai Phong Phú - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, cho biết thời điểm hiện tại, trung tâm đã hoàn thành kiểm đếm đối với 45/68 doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành kiểm đếm, trung tâm sẽ thực hiện lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ; thực hiện niêm yết công khai phương án; hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ sau khi niêm yết; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; ban hành quyết định thu hồi đất.
“Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh kiến nghị về việc thành lập tổ thẩm định để kiểm tra tính pháp lý về tài sản và thống nhất các chính sách bồi thường, hỗ trợ cho từng doanh nghiệp làm cơ sở lập chứng thư định giá tài sản; thống nhất chủ trương thuê đơn vị tư vấn định giá đối với tài sản chưa có trong bảng giá của UBND tỉnh; thống nhất việc thu hồi, bồi thường đối với phần hạ tầng khu công nghiệp; thống nhất các doanh nghiệp được giữ lại” - ông Phú thông tin.
Liên quan tới công tác di dời, giải phóng mặt bằng đối các hộ gia đình, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, thành phố được giao thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng đối với gần 6 hécta do các hộ gia đình, cá nhân quản lý. Đến nay, UBND thành phố đã ban hành phương án giải tỏa, di dời. Dự kiến, thành phố sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng đối 255 hộ gia đình, cá nhân chưa nhận tiền bồi thường trong tháng 6/2025.

Vướng cơ chế và kinh phí
Nêu hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp đang có đơn kiến nghị, khiếu nại trong quá trình thu hồi đất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp tục vận động doanh nghiệp đồng ý di dời sớm hơn để rút ngắn thời gian niêm yết công khai.
“Sở Tư pháp cử người hỗ trợ giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp; Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Tổng công ty CP phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) cung cấp danh sách doanh nghiệp ưu tiên vận động. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Sở Xây dựng hỗ trợ cung cấp hồ sơ pháp lý tài sản đất đai của doanh nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.
Liên quan tới việc xoá sổ KCN Biên Hoà 1, trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn phương án di dời. Đặc biệt, theo Đề án di dời các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào tháng 2/2024, có 76 doanh nghiệp phải di dời để chuyển đổi công năng. Việc di dời được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I, hoàn thành di dời 14 doanh nghiệp trước tháng 12/2024; giai đoạn II, hoàn thành di dời đối với toàn bộ doanh nghiệp còn lại trước tháng 12/2025.
Tuy nhiên, kế hoạch di dời giai đoạn I bị đổ bể vì doanh nghiệp chưa di dời được do chưa nhận được kinh phí và chưa tìm được địa điểm mới. Trong khi giai đoạn I còn dở dang, thì giai đoạn II mới có 3 doanh nghiệp lên kế hoạch di dời.
Về nguyên, ông Trần Vũ Hoài Hạ - Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết vướng mắc lớn nhất trong việc di dời Khu công nghiệp Biên Hoà 1 là chưa có căn cứ pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp di dời, mà tất cả đều được áp dụng bởi các quy định của pháp luật chung hiện hành. Hơn nữa, việc di dời khu công nghiệp chưa có tiền lệ trên cả nước, cùng với các chính sách, cơ chế hỗ trợ đi kèm cũng mới, có thể phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, nên tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách chưa đạt tiến độ đề ra.
Từ những tồn tại trên, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh gộp chung 2 giai đoạn, có nghĩa là sẽ hoàn thành di dời cả 2 giai đoạn vào cuối năm 2025.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), với diện tích 340 ha, hiện đã lấp đầy 100%. Khu công nghiệp này được hình thành năm 1963 với tên gọi là Khu kỹ nghệ Biên Hòa và sau năm 1975 được đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Đây cũng là khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước thực hiện di dời, chuyển công năng khi đang hoạt động vì ô nhiễm môi trường. Theo Đề án di dời các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt thì có 76 doanh nghiệp phải di dời và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, hoàn thành trước tháng 12/2024. Giai đoạn này sẽ di dời giải phóng mặt bằng toàn bộ đối với 10 công ty và một phần diện tích của 4 công ty khác. Giai đoạn II, hoàn thành trước tháng 12/2025, di dời các doanh nghiệp còn lại. Tổng chi phí hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng khoảng hơn 7.500 tỷ đồng (chi phí này có thể thay đổi theo từng giai đoạn). Ngoài ra, cần thêm 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí ổn định đời sống cho người lao động, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sau khi di dời. |