Nhà đầu tư cần gì ở thị trường điện “xanh” Việt Nam
Sự nhất quán trong chính sách và một khung pháp lý cùng cơ chế giá cả rõ ràng là nền tảng để các nhà đầu tư tin tưởng và cam kết đầu tư vào các dự án dài hạn.
Thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tiềm năng phát triển to lớn đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế. Dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư năng lượng tái tạo, việc rót vốn vào Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đòi hỏi nhiều yếu tố quan trọng không chỉ dừng lại ở tiềm năng thị trường. Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp bền vững, tái tạo trong thời đại bất ổn” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Mike Chan –Quỹ đầu tư Sara (Sustainable Asia Renewable Assets) – cho biết, Sara có các cổ đông có tiêu chuẩn cao ở các quốc gia như Hà Lan, Anh quốc, và Thụy Sỹ, với mục tiêu lấp đầy “khoảng trống đầu tư xanh” do sự mất cân bằng giữa vốn sẵn sàng và các công ty địa phương đủ chuẩn nhận vốn. Một trong những yếu tố cốt lõi mà các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm là sự nhất quán trong chính sách và một khung pháp lý cùng cơ chế giá cả rõ ràng. Điều này là nền tảng để các nhà đầu tư có thể tin tưởng và cam kết đầu tư vào các dự án dài hạn.

Theo ông Chan, mặc dù thị trường Việt Nam vẫn còn những bất ổn nhất định về khung pháp lý trong ngắn hạn, nhưng chính phủ đang có những nỗ lực để hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư. Quy hoạch phát triển điện VIII được xem là có nhiều điểm tích cực cho sự phát triển của điện gió, điện mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng pin.
Bên cạnh chính sách, chất lượng của dự án là yếu tố được đánh giá rất kỹ lưỡng. Từ góc nhìn của nhà đầu tư, họ quan tâm đến cả chất lượng xây dựng dự án nhất quán và chất lượng vận hành dự án nhất quán. Kinh nghiệm cho thấy nhiều dự án được triển khai gấp rút để kịp thời hạn hưởng giá FIT trước đây có thể chưa đạt tiêu chuẩn mà các quỹ đầu tư quốc tế kỳ vọng. Chất lượng xây dựng phụ thuộc vào việc lựa chọn thiết bị đạt chuẩn (như Tier 1, Class 1, có bảo hành và hỗ trợ tốt) cũng như tay nghề lắp đặt. Tương tự, việc dự án được bảo trì và vận hành hiệu quả sau khi đi vào hoạt động cũng là yếu tố quan trọng.
"Yếu tố cực kỳ quan trọng thứ ba cho sự thành công lâu dài (trên 20 năm) của các dự án năng lượng tái tạo là việc có các nhà cung cấp và đối tác vận hành bền vững. Các vấn đề kỹ thuật thường phát sinh sau một vài năm vận hành. Do đó, nhà đầu tư cần những đối tác có khả năng hỗ trợ lâu dài, sẵn sàng giúp đỡ giải quyết vấn đề ngay cả khi hết thời gian bảo hành. Việc hợp tác với các đối tác bền vững không chỉ đảm bảo hoạt động ổn định của dự án mà còn giúp tăng giá trị tài sản", ông Chan cho biết.
Ngoài các yếu tố nội tại của dự án và đối tác, bối cảnh thị trường Việt Nam cũng được coi là rất tiềm năng. Nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ (9% từ 2021-2025) do dòng vốn FDI đổ vào và sự phát triển của các trung tâm dữ liệu cần nguồn điện ổn định và xanh. Giá điện cũng đã tăng 18% trong vài năm qua. Việt Nam cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050.
Tuy nhiên, hạ tầng lưới điện cần được nâng cấp để kết nối nguồn phát và điểm tiêu thụ, giảm thiểu tình trạng cắt giảm sản lượng (curtailment) gây ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đầu tư. Tuy chính phủ đã nhận thức và có kế hoạch nâng cấp đường truyền tải cao áp, việc này sẽ cần thời gian. Các giải pháp tạm thời như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) đang được xem xét và có thể trở nên khả thi về mặt thương mại trong vài năm tới khi giá pin giảm.
"Đối với các nhà đầu tư quốc tế, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam không chỉ là nhìn vào tiềm năng thị trường rộng lớn và cam kết về năng lượng sạch, mà còn là sự đòi hỏi về một môi trường đầu tư minh bạch với chính sách ổn định, chất lượng dự án được đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, và sự đồng hành của các đối tác có năng lực và cam kết lâu dài. Khi những yếu tố này được củng cố, Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với dòng vốn đầu tư xanh từ nước ngoài", ông Chan nhận định.