“Cơn lũ” đa cấp phơi lộ “vùng mù” thể chế - Kỳ 2: Cuộc lẩn trốn giữa lòng pháp luật
Hành vi của đa cấp biến tướng đã hiện hữu, hậu quả cũng rõ hình nhưng thể chế vẫn đứng ngoài. Và những cuộc “xâm lăng” cứ tiếp tục diễn ra khi pháp luật chưa chạm tới…
Ở kỳ 1 của loạt bài, Diễn đàn Doanh nghiệp đã khắc họa một hiện thực gai góc: những mô hình lừa đảo núp bóng đa cấp như Ame Global có thể lặng lẽ xâm nhập, phát triển, và thâu tóm hàng nghìn người ngay trong bóng tối của thể chế, nơi luật pháp chưa kịp soi tới. Nhưng thực tế đó vẫn chưa phải là điểm dừng.
Ngay trong quá trình chúng tôi thực hiện loạt bài này, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục đánh sập một đường dây đa cấp biến tướng với quy mô đặc biệt lớn mang tên Bitney Việt Nam.
Đáng chú ý, trong vụ án này có tới gần 200.000 người tham gia, trong đó có hơn 107.000 người Việt. Đây là một “đế chế” kinh doanh thực phẩm chức năng nhưng chứa chất cấm (những chất gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng con người), vận hành qua nền tảng số, trả thưởng đa tầng nhưng tuyệt nhiên không nằm trong bất kỳ danh sách giám sát chính thức nào.
Mô hình này tiếp tục chứng minh: những “cơn lũ” vẫn tràn qua thể chế trong im lặng, còn hệ thống giám sát thì vẫn... chưa lên tiếng. Pháp luật chỉ có giá trị khi nó hiện diện đúng nơi hành vi xảy ra. Nhưng ở đây, hành vi đã phơi bày, còn thể chế vẫn lạc lối trong khoảng mù giám sát.

Trong kỳ 2 này, chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu vào câu hỏi then chốt: vì sao pháp luật lại không chạm được tới những hành vi đã công khai vận hành trong xã hội? Và khi giám sát chỉ bắt đầu sau khi hậu quả đã xảy ra, thì trách nhiệm sẽ dừng lại ở đâu?
Hành vi rõ ràng, pháp luật không hiện diện?
Hai vụ án, Bitney Việt Nam và Ame Global đều cho thấy một thực tế bất an: mô hình lừa đảo vẫn có thể vận hành công khai mà giám sát thì đứng ngoài. Không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, không khai báo sơ đồ trả thưởng, không để lại bất kỳ dấu hiệu nào trong hệ thống kiểm soát chính thức nhưng vẫn lôi kéo hàng trăm nghìn người, vận hành dòng tiền khổng lồ, và tồn tại suốt nhiều năm trời.
Bitney tổ chức hoạt động rầm rộ, thậm chí còn tiêu thụ sản phẩm chứa chất cấm nhưng vẫn không nằm trong diện giám sát cho đến khi bị triệt phá. Nhiều ý kiến cho rằng, khi mô hình hoạt động công khai, hậu quả cũng phơi bày, mà giám sát vẫn vắng mặt. Đó là báo động cho năng lực phản ứng của thể chế.
Hai vụ án liên tiếp Ame Global và Bitney Việt Nam là hai lát cắt điển hình cho khoảng trống thể chế: hành vi biến tướng không tên, không giấy phép, không kiểm soát nhưng tồn tại ngang nhiên. Không có hợp đồng, không có hồ sơ, không bị gọi tên trong luật nên cũng không ai kiểm tra, giám sát.
Chính từ đó, giới chuyên gia cho rằng: vấn đề không chỉ nằm ở việc luật chưa kịp sửa, mà là ở chỗ thể chế hiện nay chưa có khả năng định danh và chạm tới những hành vi kiểu mới, được thiết kế để lọt khỏi mọi định dạng pháp lý truyền thống.
Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật Hà Việt nhìn nhận, vụ Bitney là điển hình cho sự vô hiệu hóa toàn diện của giám sát thể chế.
“Bitney không hề đăng ký bán hàng đa cấp, không có hồ sơ công khai, lại vận hành hoàn toàn qua nền tảng số, tuyển người bằng app, trả thưởng bằng mã giới thiệu, nhưng vẫn có thể phát triển tới quy mô gần 200.000 người mà không bị phát hiện. Đây là dạng mô hình được thiết kế để trốn tránh mọi cơ chế giám sát truyền thống”, luật sư Luân chia sẻ.

Ông Luân cũng nhấn mạnh rằng: “Thể chế hiện nay vẫn đang giám sát theo mô hình quản lý hành chính: có hồ sơ thì quản, không có thì… đứng ngoài. Chính vì thế, khi doanh nghiệp lách được tất cả các thủ tục khai báo, thì pháp luật rơi vào thế không biết bám vào đâu để can thiệp”.
Luật chưa định danh – mô hình lách trong vùng xám
Phân tích từ hai vụ án này, giới chuyên gia cho biết, trên thực tế, hệ thống giám sát hiện nay đang bị chia cắt theo mô hình “ai làm việc nấy”.
Điển hình như, Bộ Công Thương chỉ quản doanh nghiệp được cấp phép đa cấp. Cơ quan công an chỉ điều tra khi có dấu hiệu hình sự hoặc đơn tố cáo. Bộ Khoa học và Công nghệ thì chưa có vai trò rõ ràng với nền tảng kỹ thuật số xuyên biên giới. Không ai đủ quyền cũng không ai đủ trách nhiệm. Khi hành vi chưa được định danh rõ ràng trong luật, mọi đầu mối đều lùi lại.
Về nội dung này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho biết, vụ Bitney cho thấy trách nhiệm giám sát không chỉ bị bỏ ngỏ, mà còn bị chia cắt đến mức không ai có thể hành động sớm.
“Sản phẩm chứa chất cấm, ứng dụng trả thưởng công khai, hàng trăm nghìn người tham gia nhưng không ai phát cảnh báo. Điều này chỉ xảy ra khi mỗi cơ quan chỉ nhìn thấy một phần nhỏ trong tổng thể: Bộ Công Thương không quản lý app, công an chỉ vào cuộc khi có tố giác, còn cơ quan quản lý công nghệ thì không có công cụ chế tài”, luật sư Lê Thị Nhung chia sẻ.

Bà Nhung cũng nhấn mạnh: “Nếu không có một đầu mối thống nhất vừa có thẩm quyền pháp lý, vừa có chuyên môn kỹ thuật số, thì những mô hình biến ảo sẽ còn tiếp tục tồn tại. Không phải vì chúng quá giỏi, mà vì hệ thống giám sát quá rời rạc”.
Dù một số vụ án được triệt phá, dù con số người bị lôi kéo ngày càng khủng khiếp, thì phản ứng của thể chế vẫn luôn đến sau. Khi sự bất lực đó lặp đi lặp lại như một kịch bản định sẵn, thì vấn đề không còn nằm ở một vài mô hình mà nằm ở chính cấu trúc giám sát đang vận hành chậm chạp hơn cả hành vi vi phạm.
Muốn chặn đứng “cơn lũ” này, không thể chỉ vá luật. Cần một cuộc tái thiết mạnh hơn: tái định danh hành vi, tái thiết vai trò giám sát, và tái cấu trúc năng lực kiểm soát trong môi trường số hóa không biên giới.
Trong kỳ 3 tới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ trả lời cho các câu hỏi: Thể chế nào cần thay đổi để không tiếp tục đứng bên lề những cuộc lẩn trốn đã được lập trình? Và nếu để những “cơn lũ” đa cấp biến tướng ấy tiếp tục tràn qua, ai sẽ là người chịu thiệt hại nhất?