Tài chính doanh nghiệp

Bước ngoặt M&A với doanh nghiệp dược Imexpharm

Lê Mỹ 24/05/2025 04:40

Thương vụ chuyển nhượng cổ phần Imexpharm về tay doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy SK Group đang tiếp tục thực thi chiến lược rút vốn khỏi các thị trường đã đề ra trước đó.

Ngày 23/5, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) đã có văn bản báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE về việc xác nhận thông tin về giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu Imexpharm của cổ đông lớn.

IMP 1
Sau khi nắm giữ IMP vào năm 2020, dù đánh giá Imexpharm đã và đang xây dựng được nền tảng tốt từ sản phẩm tới thị trường và bộ máy quản trị, SK Group cũng đã thực hiện thoái vốn tài chính khỏi doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Cụ thể, văn bản cho biết, ngày 22/05/2025, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm đã nhận được thông tin về việc: Lian SGP Holding Pte. Ltd. - một công ty được thành lập tại Singapore và được sở hữu 100% bởi Livzon Pharmaceutical Group Inc. (một công ty được thành lập tại Trung Quốc), vừa ký kết một thỏa thuận khung với SK Investment Vina III Pte. Ltd., Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Kim (Sunrise Kim Investment JSC) và Công ty Cỗ phần Đầu tư KBA (KBA Investment JSC) về việc mua lại cổ phần trong Công ty CP Dược phẩm Imexpharm.

Theo đó, Lian SGP Holding Pte. Ltd. dự kiến sẽ thực hiện giao dịch mua lại cổ phần tại Imexpharm với chi tiết: 47,69% cổ phần do SK Investment Vina III Pte. Ltd. sở hữu; 9,75% cổ phần do Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Kim (Sunrise Kim Investment JSC) sở hữu; 7,37% cổ phần do Công ty Cổ phần Đầu tư KBA (KBA Investment JSC) sở hữu. Tổng tỷ lệ cổ phần dự kiến được chuyển nhượng là 64,81% vốn điều lệ của Imexpharm.

Thông tin nói trên được cung cấp bởi cổ đông lớn của Công ty – SK Investment Vina III Pte. Ltd. và được Livzon Pharmaceutical Group Inc. công bố thông tin tại website chính thức của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE). Imexpharm xác nhận thông tin và tiếp tục theo dõi diễn biến giao dịch để thông tin tới nhà đầu tư theo quy định.

Trước đó, thị trường đã đón nhận thông tin này khi Livzon Pharmaceutical Group (Trung Quốc) cũng công bố thông tin đã thông qua một công ty con đã ký thỏa thuận mua bán cổ phần với bên bán – đơn vị sở hữu cổ phần của công ty dược tại Việt Nam.

Giá trị thương vụ gần 5.731 tỷ đồng, tương ứng với 1,587 tỷ Nhân dân tệ, hay 1,728 tỷ Đô la Hong Kong, dựa theo tỷ giá tại ngày ký thỏa thuận. Sau khi hoàn tất thương vụ, công ty dược tại Việt Nam sẽ trở thành công ty con được Livzon sở hữu thông qua đơn vị trực tiếp mua lại cổ phần. Mặc dù Livzon không nêu rõ tên đơn vị trong thương vụ tiếp nhận chuyển nhượng song IMP đã được nhà đầu tư xướng tên trước khi Công ty Dược có văn bản báo cáo.

Được biết, thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu IMP do SK Investment nắm giữ cho công ty Trung Quốc tương ứng toàn bộ cổ phiếu tổ chức đầu tư này sở hữu tại IMP là 73,45 triệu đơn vị. Phía công ty từ Trung Quốc đã chi ra 4.216,5 tỷ đồng để mua lại trọn lô cổ phiếu này, tương ứng với giá trị 57.400 đồng/cp. Cùng với đó và cùng mức giá, công ty này đã chi ra 862,54 tỷ đồng mua lại hơn 15 triệu cp của CTCP Đầu tư Bình Minh và 651,8 tỷ đồng trả cho CTCP Đầu tư KBA.

imp.jpg
IMP là một trong những đơn vị dược dẫn đầu trong cuộc chạy đua về chất lượng nhà máy và thị phần thuốc kháng sinh. Tại Việt Nam, công ty có chiến lược tập trung kênh ETC như một động lực tăng trưởng xuyên suosort. Ảnh: IMP

Bên mua cũng công bố “Thương vụ Mua lại sẽ tạo nền tảng vững chắc cho Tập đoàn trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế, phù hợp với chiến lược dài hạn về quốc tế hóa và phát triển bền vững trong lĩnh vực dược phẩm”.

Tập đoàn Dược phẩm Livzon (Livzon Pharmaceutical Group Inc.) theo thông tin đăng tải công khai, là công ty được thành lập vào ngày 26/1/1985 tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu tại Trung Quốc (nằm trong Top 30), hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dược phẩm, bao gồm thuốc tân dược, thuốc sinh học, dược phẩm truyền thống Trung Quốc, nguyên liệu dược và thuốc thử chẩn đoán bệnh.

Livzon hiện niêm yết cổ phiếu trên cả Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến (mã: 000513.SZ) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (mã: 1513.HK), với hơn 9.000 nhân viên và mạng lưới kinh doanh trải rộng trong và ngoài Trung Quốc. Tổng tài sản của công ty vào thời điểm 31/12/2024 là 24.460 triệu Nhân dân tệ (khoảng 85.610 tỷ đồng). Sản phẩm của Livzon xuất khẩu sang hơn 15 nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn quốc, Nga, Singapore, Thái Lan, Việt Nam…

Cũng theo thông tin giới thiệu từ Livzon, “tương lai, sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện sứ mệnh “lấy chất lượng sống của người bệnh làm đầu” và tầm nhìn “trở thành người dẫn đầu trong ngành dược phẩm”, tập trung vào lĩnh vực đời sống và sức khỏe, luôn lấy nhu cầu lâm sàng của người bệnh làm kim chỉ nam, đẩy nhanh việc nâng cao hiệu quả R&D thông qua các mô hình công nghệ số và trí tuệ, tiếp tục củng cố lợi thế dẫn đầu trong các nền tảng thuốc sáng tạo và chế phẩm phức tạp có rào cản cao, nâng cao toàn diện năng lực phát triển bền vững”.

Trước đó, việc SK rút vốn khỏi Imexpharm thực tế đã nằm trong dự báo, do trong chiến lược tái cơ cấu từ năm 2024, SK Group không giấu ý định bán cổ phần đang nắm giữ tại các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ Won tiền đầu tư ban đầu (khoảng 720 triệu USD theo tỷ giá tại 2024). SK Group khi đó chia sẻ cùng báo chí là đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh nên sẽ tập trung đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo dòng tiền.

Không mấy bất ngờ, thị trường cũng phản ứng tích cực với thông tin thương vụ khi trong phiên 23/5, cổ phiếu IMP đã tăng thêm 2,77%, chốt thị giá mới 52.000đ/cp. Theo đó, thương vụ được xem là một bước ngoặt mới với doanh nghiệp có trụ sở tại Đồng Tháp, đang có tham vọng vươn xa trên thị trường quốc tế. Thương vụ cũng đồng thời cho thấy sức hút của các doanh nghiệp Dược Việt Nam trên đấu trường M&A, khi ngoài IMP có doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát lợi ích chi phối, một số thương vụ khác cũng đã diễn ra, điển hình với Dược Hậu Giang đã được cổ đông lớn Nhật Bản thâu tóm.

Lê Mỹ