Các ông lớn ô tô đang “giảm tốc” kế hoạch xe điện
Vài năm qua, hàng loạt hãng xe hơi kỳ cựu công bố kế hoạch làm xe điện đầy tham vọng. Thế nhưng giờ họ lại đang “đạp phanh” khá mạnh đối với các dự án này.
Xe điện không còn là ưu tiên hàng đầu
Honda Motor là một cái tên từng rất tham vọng với xe điện. Họ đưa ra mức đầu tư đến 10.000 tỷ yên cho các dòng xe điện đến năm 2030, cũng như đặt mục tiêu doanh số xe điện chiếm 30%. Thế nhưng gần đây Honda đã hạ thấp mức đầu tư dự kiến xuống còn khoảng 7.000 tỷ yên và đặt mục tiêu doanh số 20%. Không chỉ vậy, đầu tháng 5/2025, Honda tạm hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện trị giá 15 tỷ đô Canada tại Ontario, Canada trong 2 năm.

Thay vì xe điện, hãng xe Nhật Bản chuyển trọng tâm sang các dòng hybrid, tức xe vừa dùng xăng vừa dùng điện. Theo kế hoạch, từ năm 2027 đến 2031, Honda sẽ tung ra 13 mẫu xe hybrid mới. Hiện tại, hãng đã sở hữu hơn 10 mẫu xe hybrid trên toàn thế giới và có 3 mẫu đang được bán tại Mỹ. Công ty đặt mục tiêu bán từ 2,2 đến 2,3 triệu xe hybrid mỗi năm vào năm 2030, tăng mạnh so với con số 868.000 xe được bán ra trong năm ngoái.
Trong khi đó, Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất xe điện năm 2026 xuống còn 1 triệu chiếc, bằng 2/3 so với mục tiêu 1,5 triệu chiếc từng được công bố trước đó. Tương tự Honda, Toyota cũng chuyển hướng tập trung sang xe hybrid, một giải pháp lưng chừng giữa xe điện và xe chạy xăng.
Một cái tên khác là Subaru. Hãng sản xuất xe hơi này vốn luôn thận trọng với quá trình điện hóa. Sự thận trọng này càng được nhân lên nhiều lần trong thời điểm hiện tại. Tính đến tháng 5/2025, Subaru mới chỉ có 1 mẫu xe điện là Solterra. Dự kiến đến năm 2026, họ sẽ tung ra một mẫu xe điện mới. Và kế hoạch xe điện của họ tạm thời chỉ có thế, chưa có thêm bất kỳ dự án bổ sung nào.
Một đại diện “quay xe” nữa không thể không kể đến là General Motors. Hãng xe hơi này từng ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu xe điện của California, đặt mục tiêu nội bộ là chuyển sang xe điện gần như 100% vào năm 2035 và sản xuất 400.000 xe điện trước năm 2024.
Tuy nhiên đến năm 2024, GM đã từ bỏ các mục tiêu này. Không chỉ vậy, trong năm 2025, GM còn là bên tích cực phản đối lệnh cấm bán xe xăng của California, một trong những thị trường xe điện lớn nhất nước Mỹ. Lý do được GM đưa ra là các mục tiêu về khí thải của tiểu bang đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của hãng, làm suy giảm quyền lựa chọn và ảnh hưởng đến kinh phí mua xe của người tiêu dùng.
GM không hề đơn độc trong cuộc chiến này. Họ và một số hãng khác như Stellantis, Ford và Toyota đã gia nhập Liên minh Cải tiến Xe hơi, kêu gọi Quốc Hội Mỹ ngăn chặn các lệnh cấm bán xe xăng của California và 11 tiểu bang khác.
Nguyên nhân “quay xe”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các nhà sản xuất xe không còn đẩy mạnh các dự án xe điện.
Nguyên nhân đầu tiên là nhu cầu thị trường không cao như mong đợi. Trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng xe điện toàn cầu chỉ đạt 20%, thấp hơn rất nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, châu Âu chỉ tăng 1%, dấu hiệu thị trường đang “ngán”. Còn doanh số xe điện tại Mỹ giảm 5% trong tháng 4/2025, trong khi thị trường xe hơi nói chung lại tăng 10%. Xe điện cũng chỉ chiếm 7% thị phần tại Mỹ. Tình trạng này này đến từ việc người tiêu dùng vẫn còn e dè với xe điện, với những lo ngại về phạm vi di chuyển, số lượng các trạm sạc, giá xe điện cao hơn xe xăng...

Nguyên nhân thứ hai là thuế. Chính sách thuế thay đổi xoành xoạch của Tổng Thống Mỹ Donald Trump khiến các nhà sản xuất xe có nhập khẩu linh kiện phải đau đầu. Việc mở rộng hoặc xây dựng một cơ sở xe điện luôn đòi hỏi nguồn đầu tư khổng lồ. Các hãng sản xuất sẽ không nóng vội ra quyết định trong khi tình hình thuế vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ như hiện nay.
Nguyên nhân thứ ba là các chính sách hỗ trợ. Giá cả luôn là một trở ngại lớn đối với xe điện. Tại Mỹ, nếu không nhờ các khoản ưu đãi thuế liên bang, có lẽ thị trường này đã “hết pin” từ lâu. Thế nhưng giờ đây chính quyền Trump đang đe dọa cắt giảm hoặc bãi bỏ hoàn toàn các khoản ưu đãi thuế. Nếu điều này xảy ra, giá bán xe điện có thể tăng lên đến 7.500 đô, càng khiến người tiêu dùng e dè hơn nữa. Bên cạnh đó còn là làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần xe điện với tốc độ thần tốc.
Với nhu cầu thị trường và tình hình thuế hiện tại, không khó hiểu khi các hãng xe không còn ráo riết thực hiện các dự án về xe điện. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc xe điện xếp xó. Các hãng xe vẫn giữ những mục tiêu riêng. Ví dụ Honda vẫn duy trì mục tiêu dài hạn là chuyển hoàn toàn sang xe điện chạy pin và xe pin nhiên liệu vào năm 2040.
Hay nói cách khác, các hãng xe vẫn “mặn mà” với xe điện, nhưng theo một con đường an toàn hơn, chừng mực hơn, đợi chờ người tiêu dùng dần “mở lòng” với xe điện, cũng như cơ sở hạ tầng và các chính sách hoàn thiện hơn.