Thúc đẩy cho vay dựa trên tài sản trí tuệ
Nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết lập một nền tảng pháp lý vững chắc giúp tài sản trí tuệ (TSTT) thực sự trở thành công cụ tài chính hiệu quả trong bối cảnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được nêu trong Nghị quyết số 68-NQ/TW Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là thúc đẩy mạnh mẽ và đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận vốn và phát triển bền vững.
Ngân hàng còn dè dặt
Khi có sự chuyển dịch từ nền kinh tế công nghiệp truyền thống sang kinh tế tri thức và kinh tế số, giá trị doanh nghiệp không còn nằm chủ yếu ở tài sản hữu hình mà nằm ở sáng chế, phần mềm, thương hiệu, bản quyền, bí quyết công nghệ,... Do vậy, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố sống còn khi cạnh tranh toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào năng lực đổi mới, làm gia tăng giá trị của TSTT trong kinh doanh và đầu tư.
Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ban hành chính sách thúc đẩy thương mại hóa TSTT, xây dựng thị trường TSTT và khung pháp lý cho việc dùng TSTT làm tài sản đảm bảo. Điều đó giúp thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thay vì “để nằm kho” tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo, những doanh nghiệp không có tài sản hữu hình vẫn có thể huy động vốn nếu sở hữu giải pháp, phần mềm, công nghệ tiềm năng. Đặc biệt, các quỹ đầu tư bắt đầu đánh giá sâu hơn về tài sản vô hình, thay vì chỉ dựa vào doanh thu hay tài sản vật chất.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc định giá, đăng ký và bảo hộ TSTT làm tài sản đảm bảo vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ giữa các ngành và cấp quản lý. Cụ thể, định giá TSTT là việc phức tạp, phụ thuộc nhiều vào thị trường và khả năng khai thác. Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn còn dè dặt khi dùng TSTT làm tài sản thế chấp do rủi ro thanh khoản và tính pháp lý chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng Phòng Pháp chế Vietcombank cũng từng chỉ ra rằng việc định giá TSTT trong giao dịch thế chấp thường gặp nhiều khó khăn do giá trị của loại tài sản này không ổn định và mang tính vô hình. Mặc dù pháp luật cho phép các bên tham gia tự thỏa thuận về giá trị TSTT dựa trên ý chí của họ, nhưng trên thực tế, quá trình này không hề đơn giản. Nếu định giá quá cao, bên nhận thế chấp có thể chịu rủi ro thiệt hại. Ngược lại, nếu định giá quá thấp, bên thế chấp lại phải chịu thiệt thòi không đáng có.
Giải pháp nào để thúc đẩy?
Theo TS Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, để thúc đẩy hiệu quả việc sử dụng TSTT trong giao dịch tài trợ vốn, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính hệ thống và pháp lý hiện đại.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về giao dịch bảo đảm theo hướng tiếp cận hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL). Việc này bao gồm xây dựng một quy chế pháp lý riêng cho giao dịch bảo đảm bằng động sản, trong đó có TSTT, nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và khả thi, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong nền kinh tế số hiện nay, nơi mà giá trị tài sản vô hình ngày càng lớn.
Thứ hai, cần phát huy vai trò trung tâm của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc thiết lập một hệ sinh thái tài chính gắn kết với TSTT. Cơ quan này cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng chiến lược quốc gia, các chính sách và quy định cụ thể về tài trợ vốn dựa trên giá trị TSTT, tạo cơ chế liên kết giữa đổi mới sáng tạo và hệ thống tài chính - tín dụng.
Thứ ba, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức tài chính và các bên liên quan là yếu tố then chốt. Các chủ thể cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và thông tin đầy đủ để hiểu rõ giá trị, tính bảo đảm và khả năng thanh khoản của TSTT, từ đó chủ động sử dụng TSTT trong các giao dịch tài chính, thay vì chỉ dựa vào tài sản hữu hình truyền thống.
Thứ tư, cần mở rộng phạm vi các loại TSTT đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm, đồng thời ban hành hướng dẫn pháp lý cụ thể, đặc biệt đối với những loại tài sản phổ biến như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, phần mềm máy tính, thương hiệu đã đăng ký… Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng TSTT trong thực tế mà còn tăng tính minh bạch và khả năng định giá, từ đó củng cố niềm tin của thị trường và thúc đẩy sự phát triển của tài chính dựa trên tài sản vô hình.
Như vậy, việc gia tăng sử dụng TSTT trong các giao dịch tài trợ vốn không chỉ phản ánh sự phát triển của kinh tế số và đổi mới sáng tạo, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách chính sách, nâng cao năng lực định giá và đảm bảo tính pháp lý. Nếu tận dụng tốt xu thế này, Việt Nam có thể mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho hàng nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – một trụ cột quan trọng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.