Kinh tế địa phương

Vĩnh Phúc tăng cường sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Minh Khuê 24/05/2025 11:46

Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế.

1204-16883534639281187590480.jpeg
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022 – 2025 mỗi năm có từ 1.300 - 1.500 doanh nghiệp thành lập mới.

Số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 17.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 292.400 tỷ đồng, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho khoảng 582.600 lao động, đóng góp tới 90% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển

Với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022 – 2025 mỗi năm có từ 1.300 - 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu vực DNNVV gặp rất nhiều hạn chế. Do quy mô nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ), trình độ quản lý còn kém, trình độ công nghệ và sức sáng tạo thấp, sức cạnh tranh kém, khả năng liên kết hợp tác tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI hoạt động trong một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (Honda, Toyota, Piagio,…) còn yếu.

Điều đáng nói, khu vực doanh nghiệp này luôn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn: về mặt bằng sản xuất, vốn, lao động, đổi mới công nghệ… Do đó các DNNVV chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.Các DNNVV cũng chưa chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ để thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Bởi chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với DNNVV trong bối cảnh hội nhập CN 4.0 hiện nay...

Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV

Theo mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, DNNVV được xác định đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế với số lượng vượt trội, chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng doanh nghiệp, phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-UBND ngày 21/11/2022 phê duyệt Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh thông qua tư vấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chuyển đổi thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp; hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

6112023doanhnghiepnhovavua.jpeg
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-UBND ngày 21/11/2022 phê duyệt Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, hỗ trợ lệ phí môn bài; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán. Mặt khác, tỉnh hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà không thay đổi về quy mô.

Đồng hành, nâng cao, thúc đẩy đổi mới cho DNNVV

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu thu hút thêm từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư đến từ khu vực DNNVV. Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu năm 2025, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mô hình kinh doanh mới và tham gia chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tỉnh cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giúp doanh nghiệp an tâm phát triển. Triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho DNNVV, tập trung đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch đã ban hành; phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gần với các trung tâm mới; chủ động đề xuất giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn, chíp...), từ đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của DNNVV. Có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho DNNVV…

Trên thực tế, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp. Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo cho học viên của doanh nghiệp khi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu phát triển của ngành, chuỗi giá trị.

Hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh: hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực của DNNVV trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu cho DNNVV nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi.

muc-ho-tro-tu-van-doanh-nghiep-vua-va-nho-0709105506.jpeg
Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giúp doanh nghiệp an tâm phát triển.

Bên cạnh đó, để phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường, tỉnh miễn phí tra cứu thông tin về các sự kiện kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi, quy trình tìm kiếm, xác định nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp đầu chuỗi trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh.

Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh.

Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế và 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế…

Trong tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính sách hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cũng như chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật

Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng. Hỗ trợ 50% chi phí đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ và chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV…

Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những năm qua, DNNVV tỉnh Vĩnh Phúc đang đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới và góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Minh Khuê