Thị trường

Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng mạnh

Phương Uyên 24/05/2025 12:34

Nguồn vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong quý I/2025 đạt được kết quả nổi bật, cả về tốc độ tăng trưởng và chất lượng dòng vốn.

Đây là một dấu hiệu tích cực phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam, đồng thời là động lực quan trọng cho phục hồi và phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp, và du lịch.

gofl.jpeg
Dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu, Hưng Yên vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 49,2%; vốn điều chỉnh là 1,68 tỷ USD, tăng nhẹ 4,2%; góp vốn, mua cổ phần đạt 2,19 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn FDI giải ngân ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ.

Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có khả năng học hỏi và thích nghi công nghệ nhanh và chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực (ví dụ: Trung Quốc, Thái Lan)... và hiện nay vẫn được các nhà đầu tư đánh giá thời gian qua đã không ngừng cải thiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, theo đó nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với chính sách ưu đãi thuế, thuê đất dài hạn, thủ tục hành chính đang được số hóa và đơn giản hóa...

Nguồn vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong quý I/2025 với các dự án nổi bật như: dự án Tổ hợp Sân golf và Khách sạn tại Hưng Yên, dự án bao gồm hai hệ thống sân golf 54 lỗ, mạng lưới khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu dân cư hiện đại, có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội, Chủ đầu tư là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), có quy mô gồm tòa tháp cao 600 mét với 108 tầng, dự kiến trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, là trung tâm của dự án thành phố thông minh rộng 272 ha tại huyện Đông Anh, tổng vốn đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD cho hạ tầng và đất đai...

Hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young cho biết dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo hãng này, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động hóa đa dạng chuỗi sản xuất và cung ứng nhờ sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, vị trí chiến lược...

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận môi giới và đầu tư, Savills Hà Nội, cho biết quy mô và tổng mức đầu tư của khối ngoại khá đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chú trọng đến dự án phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng."Pháp lý là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của họ", bà Dung cho hay.

Trước lo ngại dòng vốn ngoại vào bất động sản có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, các chuyên gia cho biết một số phân khúc có thể bị tác động trong ngắn hạn như hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và nhà ở. Cùng với đó, các kênh đầu tư ngách như căn hộ dịch vụ, lưu trú du lịch cũng có thể chịu tác động khi nhóm chuyên gia, lao động thu nhập cao từ doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê-mua.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của sắc thuế trên đến thị trường bất động sản Việt Nam. Theo ông nói, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, các nhà đầu tư FDI luôn có kế hoạch dự phòng và tầm nhìn dài hạn.

Theo ông David, dù có thể gặp biến động ngắn hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có chiến lược ngoại giao khéo léo, đa dạng hóa đối tác thương mại và có thị trường tiêu dùng hấp dẫn, giúp thu hút các khoản đầu tư lớn từ nhiều quốc gia.

Phương Uyên