Bắc Ninh không ngừng nâng cao chỉ số Tiếp cận đất đai và PGI
Bắc Ninh cam kết mạnh mẽ cho tương lai phát triển cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội, theo tinh thần của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số Tiếp cận đất đai là một trong những thành phần then chốt của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phản ánh mức độ thuận lợi, minh bạch và công bằng mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tiếp cận và sử dụng đất đai tại địa phương.
Vì vậy, nâng cao chỉ số này chính là bước đi thiết thực để các địa phương tạo dựng môi trường đầu tư chuyên nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tiếp cận đất đai: Gỡ “nút thắt” – mở đường cho đầu tư phát triển
Trên thực tế, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính thực chất. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường – đơn vị chủ lực trong quản lý đất đai, thời gian qua, Sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, tiến độ nhiều dự án đầu tư lớn đã được đẩy nhanh, giảm thiểu độ trễ về thủ tục và thời gian chờ của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp đã được tỉnh Bắc Ninh rút gọn tối đa thông qua việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc rút ngắn thời gian không chỉ thể hiện tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ mà còn tăng đáng kể chi phí cơ hội cho nhà đầu tư, đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền.
Một điểm sáng khác là tính công khai, minh bạch trong thông tin quy hoạch và sử dụng đất đai. Các quy hoạch được công bố rộng rãi trên cổng thông tin điện tử, các nền tảng trực tuyến và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận đất đai một cách công bằng.
“Tỉnh Bắc Ninh khẳng định quyết tâm tạo dựng một môi trường đầu tư công bằng, minh bạch đối với mọi nhà đầu tư, mọi loại hình doanh nghiệp. Nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được quán triệt và thực thi nghiêm túc – một điều kiện tiên quyết để hình thành một thị trường bất động sản công nghiệp lành mạnh”, ông Hồ Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay.
Đặc biệt, để giải quyết triệt để những “điểm nghẽn” trong lĩnh vực đất đai và giải phóng mặt bằng, Bắc Ninh đã và đang xây dựng các giải pháp đột phá như: ứng dụng số hóa dữ liệu đất đai, tích hợp với hệ thống thông tin quy hoạch, định giá đất và quản lý tài nguyên; tăng cường đối thoại định kỳ giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Tất cả những nỗ lực này đều hướng tới một mục tiêu chung, là giảm thiểu rủi ro và bất định trong quá trình tiếp cận đất đai, từ đó củng cố lòng tin của nhà đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Đỗ Hoài Trung, Giám đốc dự án khu công nghiệp Thuận Thành III, Phân khu B (công ty cổ phần đầu tư Trung Quý Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua, với sự vào cuộc vận động tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã được thực hiện thuận lợi. Đến nay, khu công nghiệp đã đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 260ha, được tỉnh giao đất khoảng 240ha, Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 204ha. Cơ bản các hộ gia đình thuộc diện phải giải tỏa đã nhận tiền đền bù và thực hiện di dời để thực hiện dự án.
Dự án được đánh giá có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ và hàng không, dễ dàng thông thương với các tuyến đường giao thông huyết mạch góp phần phát triển kinh tế - xã hội thị xã Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung nhằm đón làn sóng đầu tư vào tỉnh.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư sản xuất và thương mại HCD, chủ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất gỗ nhựa ngoài trời HCDWOOD – khu công nghiệp Khai Sơn Thuận Thành cho rằng, môi trường đầu tư hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các sở, ngành thường xuyên lắng nghe, quan tâm tới hoạt động đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Quang, mặc dù dự án nằm trong khu công nghiệp – nơi đã có quy hoạch và hạ tầng cơ bản – nhưng doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn ban đầu liên quan đến việc tiếp nhận và bàn giao mặt bằng sạch. Cụ thể, một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường nội bộ, cấp thoát nước hoặc trạm điện chưa hoàn thiện đồng bộ, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhà xưởng. Hiện nay, công ty đang phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý khu công nghiệp để cùng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng trước khi triển khai xây dựng.
Ngoài ra, có một số sự thay đổi về chính sách thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy,.. điều chỉnh quy hoạch vùng và cách thức áp dụng quy định pháp luật tại từng địa phương gây ảnh hưởng nhất định tới việc lập kế hoạch tổng thể và dự trù chi phí đầu tư ban đầu.
“Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp luôn chủ động theo dõi sát các diễn biến chính sách, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tiến độ triển khai dự án một cách hiệu quả, ổn định”, ông Nguyễn Đức Quang thông tin.

Nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI): Kiến tạo môi trường phát triển bền vững
Song hành với cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Bắc Ninh cũng đang tiên phong trong việc nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) – một thước đo mới mẻ nhưng rất quan trọng, phản ánh mức độ thân thiện với môi trường trong điều hành kinh tế địa phương.
Theo công bố của VCCI năm 2024, Bắc Ninh xếp vị trí thứ 4 toàn quốc, chỉ sau Hải Phòng, Vĩnh Long và Hà Nam – một bước tiến đáng kể so với năm 2023. Sự thăng hạng này thể hiện rõ nỗ lực bền bỉ của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư theo hướng xanh hóa.
Theo ông Nguyễn Duy Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đến từ hàng loạt chính sách cụ thể được ban hành và được thực thi quyết liệt trong nhiều năm qua.
Đơn cử, theo Kế hoạch số 342/KH-UBND ngày 17/10/2023 về hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Bắc Ninh đặt ra những mục tiêu táo bạo: đến năm 2030, giảm 38–43% cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP; 100% khu công nghiệp mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn môi trường; tỷ lệ vận tải công cộng xanh đạt 25%; và 100% dân cư đô thị được tiếp cận nước sạch và vệ sinh.

Đồng thời, ông Nguyễn Duy Hà cho biết, một trong những “điểm sáng” của PGI Bắc Ninh là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hành xanh. Các doanh nghiệp được khuyến khích tiếp cận tín dụng xanh, được hướng dẫn về quy trình sản xuất sạch, được hỗ trợ về kỹ thuật xử lý chất thải. Ngoài ra, các khu công nghiệp sinh thái cũng được quy hoạch đồng bộ với hạ tầng xanh, lưới điện thông minh, giao thông thân thiện môi trường và hệ thống xử lý nước thải khép kín.
Trong tương lai gần, Bắc Ninh xác định tiếp tục nâng cao PGI thông qua việc triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý môi trường, đẩy nhanh quá trình xanh hóa khu đô thị và khu công nghiệp, cũng như tăng cường giám sát và truyền thông nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp, phát động phong trào “3T – Tiết kiệm, Tái chế, Tái sử dụng”, đẩy mạnh dán nhãn sinh thái, thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng tới hình thành văn hóa sống thân thiện với môi trường. Tất cả theo đúng với tinh thần mà Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ đã đặt ra.