Phân tích - Bình luận

Ông Trump dọa áp thuế, Apple và Samsung như “ngồi trên đống lửa”

Nam Trần 25/05/2025 03:31

Ông Trump khiến cả ngành công nghệ toàn cầu chấn động khi tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm của Apple và Samsung nếu họ không chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ.

CEO Apple Tim Cook đối mặt với thử thách cực lớn từ ông Trump dù đã có nhiều cam kết đầu tư về Mỹ (Ảnh; National Herald)

Tổng thống Donald Trump cho biết các mức thuế mà ông từng đe dọa áp đặt lên Apple cũng sẽ được áp dụng với nhiều nhà sản xuất thiết bị khác, bao gồm cả Samsung nhằm thúc đẩy họ chuyển hoạt động sản xuất sản phẩm về Mỹ.

Apple và Samsung đứng ngồi không yên

"Không chỉ riêng Apple. Cả Samsung và bất kỳ ai sản xuất loại sản phẩm đó cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu không thì sẽ không công bằng", Tổng thống Mỹ cho biết khi được hỏi lời đe dọa áp thuế của ông chỉ thực hiện đối với Apple hay với cả các doanh nghiệp khác.

Ông Trump cho biết các mức thuế nhập khẩu này sẽ được “thực hiện một cách hợp lý” và sẵn sàng triển khai vào cuối tháng 6, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Ông Trump vào đầu tuần này cũng tiết lộ đã bày tỏ mong muốn Apple ngừng sản xuất tại nước ngoài trong cuộc gặp với CEO Tim Cook. “Tôi không muốn ông xây dựng nhà máy ở Ấn Độ. Nếu ông sản xuất ở đó, thì không thể bán sản phẩm ở Mỹ mà không bị đánh thuế”, ông Trump kể lại lời mình nói với Tim Cook.

Phản ứng trước tuyên bố mới của ông Trump, cổ phiếu Apple đã giảm 3% trên sàn giao dịch New York. Cổ phiếu của Samsung cũng mất gần 1% giá trị. Cùng ngày, ông Trump còn dọa áp thuế 50% lên Liên minh châu Âu, khiến thị trường tài chính thêm phần rúng động.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ là một cú sốc cho Apple khi công ty đang trong quá trình chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất iPhone phục vụ thị trường Mỹ sang Ấn Độ nhằm giảm thiểu tác động từ các đợt áp thuế trước đây lên hàng hóa từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Apple cũng đã tuyên bố sẽ chi 500 tỷ USD tại Mỹ trong vòng bốn năm tới, bao gồm việc xây dựng nhà máy sản xuất máy chủ tại Houston, mở học viện đào tạo nhà cung ứng tại Michigan và tăng chi tiêu với các nhà cung cấp trong nước.

Mặc dù vậy, các nỗ lực này dường vẫn chưa làm hài lòng ông Trump, dù việc chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ được giới chuyên gia đánh giá là "phi thực tế" và cực kỳ tốn kém.

Không chỉ có Apple, Samsung – hãng điện tử lớn nhất Hàn Quốc – cũng bị đưa vào tầm ngắm. Samsung hiện là nhà sản xuất điện thoại Android hàng đầu thế giới và phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng đặt tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Việc chuyển sản xuất về Mỹ không chỉ tốn kém mà còn thiếu hệ sinh thái công nghiệp phù hợp.

Samsung cũng khó có thể dời chuỗi cung ứng cực kỳ phức tạp sang Mỹ (Ảnh: Samsung Newsroom)

Bài toán bất khả thi cho các ông lớn công nghệ

Theo các chuyên gia, nếu Apple phải chịu thuế 25%, chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh, khiến họ buộc phải tăng giá bán iPhone, đặc biệt là với mẫu iPhone 17 sắp ra mắt. “Điều này sẽ làm giảm biên lợi nhuận gộp của Apple từ 3 đến 3,5 điểm phần trăm vào năm tài chính 2026,” theo phân tích của Bloomberg Intelligence. Trong khi đó, nếu dời sản xuất về Mỹ, giá mỗi chiếc iPhone có thể tăng lên hàng ngàn USD, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

Dù vậy, ông Trump đã khẳng định không muốn người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu chi phí gia tăng từ các mức thuế. “Tôi không muốn người tiêu dùng phải trả giá,” ông nói tại Nhà Trắng.

Apple, Samsung và Google (công ty sở hữu hệ điều hành Android dùng trên các máy Samsung) hiện đều chưa đưa ra bình luận chính thức nào về lời đe dọa áp thuế của ông Trump, nhưng họ cũng đang đứng ngồi không yên.

Hiện tại, các thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính vẫn được miễn trừ khỏi các loại thuế trả đũa của ông Trump trước đây. Nhưng theo giới quan sát, điều đó có thể thay đổi nếu chính quyền ông Trump đẩy mạnh kế hoạch áp thuế chuyên ngành lên các sản phẩm bán dẫn — một động thái có thể ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ ngành công nghệ toàn cầu.

Với chiến lược “Sản xuất tại Mỹ” của mình, ông Trump đang đặt ra một bài toán khó cho các tập đoàn công nghệ vốn đã đầu tư hàng chục năm để thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu — và bây giờ có thể sẽ phải thay đổi toàn bộ chiến lược kinh doanh.

Nam Trần