Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012, nghiên cứu lập sàn giao dịch vàng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn để phù hợp tình hình, hoàn thành trong tháng 6/2025...
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng chiều tối ngày 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các chỉ đạo kết luận cuộc họp.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số vấn đề còn nổi lên với thị trường vàng thời gian qua như việc chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới, một số động thái của các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng có tính thao túng, găm hàng, đội giá; việc buôn lậu vẫn còn phức tạp; việc quản lý còn có lúc, có nơi lỏng lẻo, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, điều kiện thực tế và diễn biến tình hình.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quản lý tốt, hiệu quả thị trường vàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; có chính sách khai thác nguồn lực vàng trong dân để tham gia phát triển kinh tế-xã hội và không để thao túng thị trường, không để buôn lậu vàng.
Đối với giải pháp trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2%, không thể để trên 10% như vừa qua.
Đồng thời, có giải pháp tăng cung và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường.
Tại kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn để phù hợp tình hình, hoàn thành trong tháng 6/2025; đồng thời rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Về lâu dài, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng; nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; đẩy mạnh sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo thêm công ăn việc làm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giải tỏa tâm lý giữ vàng trong dân; nghiên cứu, đầu tư hệ thống để khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong kinh doanh vàng.

Trong thời gian vừa qua, do các tác động từ vĩ mô và cầu vàng của các NHTW, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ các mức kỷ lục trước đó, kéo theo biến động thị trường và tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư, khiến giá vàng trong nước mặc dù có giai đoạn đã được cơ quan quản lý "bình ổn", vẫn khó tránh biến động. NHNN cho biết đã có nhiều văn bản chấn chỉnh hoạt động quản lý thị trường vàng, liên tục phối hợp các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của NHNN, nhờ các giải pháp điều hành đồng bộ, cho đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới vẫn được kiểm soát trong biên độ hợp lý, dao động khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng (tương đương 5 - 7%), thậm chí có thời điểm đầu năm chỉ còn quanh mức 1 triệu đồng/lượng (1 - 2%). Tuy nhiên, đến ngày 23/4, mức chênh lệch này đã tăng lên đáng kể, đạt khoảng 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 13,62%.

Cập nhật thêm từ đầu tháng 5 đến nay, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế vẫn neo cao trên 14 triệu đồng đến xấp xỉ 16 triệu đồng/ lượng (cập nhật sát theo giá quy đổi ngày 21,22 và 23/5/2025). Trong khi chênh lệch giá vàng nhẫn thấp hơn, quanh 10 triệu đồng/ lượng và có thương hiệu ra giá giao dịch chiều mua - bán có mức chênh lệch rất thấp so với giá vàng thế giới.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng giá vàng trong nước neo theo biến động giá vàng thế giới, phản ánh ảnh hưởng của các yếu tố như tỷ giá USD/VND, chính sách điều hành thị trường vàng trong nước, và tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng nhìn chung mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện rất cao và thiếu hợp lý.
Theo ông, với các giải pháp của cơ quan chức năng, việc thu hẹp khoảng cách này sẽ cần thời gian, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Mục tiêu của chính sách nên xác định không phải làm cho giá vàng nội địa giảm mà là đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc rà soát và hoàn thiện sửa đổi Nghị quyết 24 là vô cùng cần thiết, vốn đã bị trì hoãn khá lâu trong bối cảnh thị trường vàng biến động suốt cả năm qua. Để thị trường vàng duy trì cơ chế liên thông và điều tiết hợp lý, cần có những giải pháp căn cơ và bài bản hơn từ phía cơ quan quản lý để bảo đảm nguồn cung ổn định, từ cơ chế nhập khẩu đến sản xuất trong nước. Khi thị trường vận hành minh bạch và có đủ hàng hóa lưu thông, thì giá vàng điều chỉnh phù hợp.
NHNN khẳng định sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính... để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng cũng như các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập hoặc vi phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp.
Cơ quan quản lý thị trường cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu ổn định thị trường vàng một cách căn cơ và lâu dài, ngoài các giải pháp đã và đang thực thi, rất cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.