Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Ngân sách nhà nước: Cần quy định rõ hơn về phân bổ ngân sách

Gia Nguyễn 25/05/2025 04:30

Để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất, cần quy định rõ hơn về phân bổ ngân sách.

Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được đánh giá cao với các quy định mới về tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý ngân sách.

sua-luat-ngan-sach-nha-nuoc-24.5.2.jpg
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được đánh giá cao với các quy định mới - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Dự thảo Luật bổ sung quy định thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đối với các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, tỷ lệ phân chia được quy định theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng…

Bên cạnh đó Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định…

Đánh giá về quy định này, không ít ý kiến cũng cho hay, đây là cơ chế cần thiết giúp địa phương tăng nguồn thu, đáp ứng yêu cầu chi trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền 2 cấp. Tuy nhiên, để hoàn thiện, cần quy định rõ hơn về phân bổ ngân sách.

sua-luat-ngan-sach-nha-nuoc-24.5.1.jpg
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất, cần quy định rõ hơn về phân bổ ngân sách - Ảnh minh họa: ITN

Nêu quan điểm về việc bố trí, phân bổ ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, sắp tới, các địa phương sẽ thực hiện mô hình chính quyền địa phương theo 2 cấp, bỏ cấp huyện nên việc sửa đổi Luật Ngân sách cũng phải điều chỉnh theo hướng này.

Việc phân cấp cho HĐND cấp xã, phường trong việc thực hiện ngân sách cần có quy định cụ thể về thẩm quyền. Bởi hiện nay, chúng ta đã có quy định phân bổ ngân sách cho cấp tỉnh, còn ngân sách ở cấp xã, phường thì lại chưa rõ ràng nên cơ quan soạn thảo Dự án Luật Ngân sách (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về quy định phân bổ ngân sách cho cấp xã, phường.

“Cách phân chia khoản thu và chi của ngân sách địa phương cũng phải tính toán trong bối cảnh có tỉnh, thành đã tự chủ tài chính nhưng cũng còn nhiều địa phương vẫn đang cần sự điều tiết từ ngân sách Trung ương. Do đó, không nên chia nhỏ việc phân bổ ngân sách cho từng địa phương”, đại biểu bày tỏ.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện nay, nhiều địa phương cần động lực để tăng trưởng, mở rộng không gian phát triển nên không thể thu hẹp ngân sách địa phương. Việc phân bổ ngân sách cũng cần được công khai rộng rãi, minh bạch hơn để dễ quản lý và thực hiện.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, cần tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc phân định giữa nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền. Đồng thời, xây dựng cơ chế phân cấp linh hoạt, phù hợp với biến động thực tế nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát tài chính vĩ mô.

Liên quan đến việc đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động phát sinh, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu thực tế, hiện nay, nhiều địa phương, bộ ngành, cơ quan thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất được giao nhưng lại không có nguồn để chi, phải lấy tạm ứng khoản chi từ các nhiệm vụ khác để thực hiện. Điều này đã dẫn đến những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả. Khi bổ sung ngân sách thì các cơ quan không cân đối được các khoản thu, chi.

Với bất cập này, đại biểu kiến nghị trong sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, cơ quan soạn thảo cần chú trọng hơn tới việc giao dự toán ngân sách cho các địa phương phải tính đến đảm bảo cho các đợt tiếp theo, đảm bảo chi ngân sách cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất theo nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến các vấn đề về phân bổ ngân sách, trước đó tại Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, việc đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu cần được đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp.

Đồng thời phải phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho từng cấp chính quyền địa phương sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới. Căn cứ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội được quyết định, việc phân cấp nguồn thu phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ chi của từng cấp, bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp ngày 26/5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật này.

Gia Nguyễn