Doanh nghiệp

Liên kết vùng - nâng hạng thương mại điện tử

Hạnh Lê 25/05/2025 00:45

Liên kết vùng góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử và phát huy lợi thế từng tỉnh, thành.

Tại chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định: thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình kinh doanh, kết nối sản xuất với thị trường trong và ngoài nước.

tmdt1.jpg
Các phiên livestream bán hàng trên kênh thương mại điện tử đã đưa nhiều sản phẩm đặc sắc vùng, miền đến khách hàng trong và ngoài nước

Tuy nhiên, hiện nay, đang tồn tại khoảng cách lớn trong phát triển thương mại điện tử giữa các vùng, miền. Các đô thị lớn đã hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử khá toàn diện. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh miền núi và trung du, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế do điều kiện hạ tầng, nhân lực và tập quán kinh doanh truyền thống.

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2025 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố mới đây cũng đã làm rõ hơn nhận định trên. Theo EBI 2025, từ nửa cuối năm 2024 xu hướng kinh doanh qua sàn thương mại điện tử được đông đảo doanh nghiệp ưu tiên. Tuy nhiên, nếu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh liên tục giữ vững vị trí đầu trong bảng xếp hạng thì các tỉnh, thành còn lại có khoảng cách khá xa.

Cụ thể, điểm số đánh giá tiêu chí giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) - một trong 3 nhóm tiêu chí chính của chỉ số thương mại điện tử - thì Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đạt điểm số từ 62,9 trở lên. Trong khi 61 địa phương còn lại có mức điểm cao nhất chỉ đạt 4,5.

Điều này cho thấy đa số tỉnh, thành nói chung, trong đó có khu vực trung du và miền núi phía Bắc, vẫn đang thiếu động lực hoặc chưa triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến. Tương tự, ở nhóm hạ tầng và nguồn nhân lực, 3 địa phương đứng đầu có điểm số gần 80 trong khi điểm cao nhất của các địa phương còn lại là 36.

Khoảng cách trên, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam không chỉ thể hiện mức độ đầu tư chưa đồng đều mà còn là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ tụt hậu nếu các địa phương không kịp thời đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong phát triển thương mại điện tử. Thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm hàng hoá hiệu quả mà còn là động lực để đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường một cách bền vững.

TMDT 2
Thiếu chiến lược phát triển thương mại điện tử, nhiều đặc sản vùng miền chưa tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn

Giống với nhiều vùng miền khác trong cả nước, Trung du và miền núi phía Bắc là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất cả nước với hệ sinh thái văn hóa sinh thái đa dạng. Nguồn tài nguyên đặc sản của vùng rất phong phú như nông sản đặc sắc, dược liệu quý hiếm, các sản phẩm thủ công truyền thống... Thực tế các phiên live bán hàng gần đây cho thấy, những yếu tố trên dẫn dắt và thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến, nhất là ở kênh mua sắm hiện đại kết hợp giải trí.

Để tối ưu hóa những lợi thế và tiềm năng trên, theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát triển thương mại điện tử - “sợi dây liên kết” không giới hạn giữa các vùng miền. với cách thức thực hiện hiệu quả là thúc đẩy liên kết vùng, tập trung đầu tư hạ tầng logistic, nâng cao kỹ năng số đưa sản phẩm vùng cao tiếp cận thị trường rộng lớn.

Trên cơ sở đó, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất bốn nhóm giải pháp chiến lược nhằm xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử vùng bền vững. Đó là, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ thương mại điện tử vùng cao phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia; kích hoạt công nghệ số phục vụ phát triển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực kết nối và bảo vệ thương hiệu địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng logistics và phân phối số, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa; nâng cao năng lực số tại chỗ, thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý địa phương.

Những nền tảng trên góp phần hiện thực hóa mô hình “mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”, đưa thương mại điện tử thực sự trở thành động lực tăng trưởng, gia tăng giá trị và lan tỏa văn hóa vùng cao. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách lớn trong phát triển thương mại điện tử giữa các tỉnh thành.

Hạnh Lê