Ô tô - Xe máy

Xe tự lái sẽ an toàn hơn nếu biết "cư xử như con người"

Thanh Trà 25/05/2025 12:27

Xe tự lái sẽ an toàn hơn khi không chỉ tuân thủ luật lệ mà còn biết ứng xử linh hoạt, đánh giá xã hội và hành xử có trách nhiệm trong giao thông.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, để thực sự an toàn, xe tự lái không nên chỉ hành xử như một cỗ máy tuân thủ luật lệ, mà cần được lập trình để suy nghĩ và phản ứng linh hoạt như con người. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống nhạy cảm liên quan đến những đối tượng dễ tổn thương nhất trong giao thông đô thị là người đi bộ và người đi xe đạp.

adobestock_224332680-scaled(1).jpeg
Xe tự lái cần được lập trình không chỉ tuân thủ luật mà còn linh hoạt ứng xử và nhận biết xã hội để đảm bảo an toàn giao thông. (Ảnh minh họa)

Theo nhóm nghiên cứu, nếu xe tự lái được thiết kế để đánh giá hoàn cảnh xã hội xung quanh, nhận diện các đối tượng yếu thế và đưa ra quyết định mang tính đạo đức thay vì chỉ cứng nhắc dựa trên luật, thì khả năng phòng tránh tai nạn sẽ cải thiện đáng kể. Trong mô hình thử nghiệm, cách tiếp cận này đã giúp giảm tới 26,3% nguy cơ tai nạn, trong đó tỷ lệ giảm đối với người đi bộ và xe đạp đạt 22,9%.

Khái niệm “nhạy cảm với xã hội” nghe có vẻ trừu tượng nhưng lại rất gần gũi trong giao thông hàng ngày. Khi một chiếc xe nhận ra người già đang loay hoay qua đường, nhóm trẻ nhỏ đứng gần lề hoặc người đi xe đạp vô tình lấn làn ô tô, xe nên chủ động giảm tốc, giữ khoảng cách an toàn hoặc nhường đường thay vì chỉ tuân thủ luật một cách máy móc. Đây là những phản xạ mà người lái xe có kinh nghiệm làm theo bản năng, nhưng với xe tự lái, điều này phải được lập trình rõ ràng.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng chỉ tuân thủ luật giao thông một cách cứng nhắc chưa chắc đã là hành vi an toàn nhất. Nhiều tình huống nằm trong vùng “xám”, không hoàn toàn đúng hay sai, đòi hỏi xe phải đánh giá rủi ro và chọn giải pháp ít gây hại nhất. Điều này yêu cầu trí tuệ nhân tạo không chỉ nhận diện tình huống mà còn phải có khả năng phân tích đạo đức và hành xử nhân văn.

Tại Mỹ, quốc gia dẫn đầu trong công nghệ xe tự hành, vấn đề an toàn giao thông vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ, năm 2024 đã có gần 45.000 người chết trong các vụ tai nạn có thể phòng tránh. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất từ công ty xe tự lái Waymo cho thấy số vụ tai nạn gây thương tích giảm tới 92% với người đi bộ, 82% với người đi xe đạp và 85% với các va chạm nghiêm trọng giữa các phương tiện, những con số này minh chứng cho tiềm năng lớn của công nghệ khi được ứng dụng đúng cách.

eff8e795fd05624d1b5f0c4fcf913eec(2).jpg
Kết quả khảo sát mới đây của Waymo mang đến tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng sáng cho công nghệ xe tự lái. (Ảnh: Getty Images)

Điều này chứng minh rằng yếu tố then chốt không chỉ nằm ở trang bị cảm biến, camera hay bản đồ số mà quan trọng hơn là dạy cho trí tuệ nhân tạo cách “lái xe có tình người”. Một hệ thống dù thông minh đến đâu nếu không biết cân nhắc giữa lý trí và cảm xúc, nguyên tắc và thực tế thì khó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông.

Tại Việt Nam, công nghệ xe tự lái vẫn còn khá mới mẻ, chủ yếu thử nghiệm trong các khu đô thị thông minh hoặc khuôn viên đại học. Với đặc thù giao thông đông đúc, nhiều xe máy và người đi bộ băng ngang bất ngờ, hành vi giao thông khó đoán, việc triển khai xe tự lái đại trà sẽ gặp nhiều thách thức.

Dù vậy, nếu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo “biết suy nghĩ vì con người” được phát triển phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, tương lai xe tự lái có thể sáng sủa hơn. Điều quan trọng là những chiếc xe không chỉ “thông minh” trong xử lý dữ liệu mà còn phải biết “hiểu chuyện” để hòa nhập vào đời sống giao thông đầy biến động một cách an toàn và nhân văn hơn.

Thanh Trà