Nghị định 70/2025/NĐ-CP về hoá đơn điện tử: Vì sao các hộ kinh doanh lúng túng?
Kể từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay.
Các hộ kinh doanh lúng túng
Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa, Nghị định số 70/2025/NĐ-CP (Nghị định 70), sẽ chính thức có hiệu lực và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử nếu thuộc nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, lộ trình này đang khiến nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ đang tỏ ra lúng túng vì thói quen tính tiền thủ công từ nhiều năm nay. Ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp tại TP HCM.

Những băn khoăn, lo lắng một phần vì tâm lý, một phần vì thói quen đã lâu và giờ phải thay đổi, học cách thao tác trên máy tính tiền áp dụng đối với các hộ kinh doanh truyền thống tại các chợ, các cửa hàng bán lẻ… chắc chẵn không hề dễ chút nào. Song, đã là quy định thì tất cả các hộ kinh doanh đều phải tuân thủ.
Cụ thể, theo Nghị định 70, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay. Các hộ kinh doanh thuộc nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng như: trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và các loại xe có động cơ khác), nhà hàng, quán ăn, khách sạn, dịch vụ vận tải hành khách đều phải thực hiện.
Theo ghi nhận của PV trên địa bàn một số quận, huyện tại TP HCM, như: quận Gò vấp, quận 5, Tân Bình, Tân Phú… nhiều hộ tiểu thương cho biết, hiện đã được nhân viên ngành thuế hướng dẫn để kết nối xuất hóa đơn điện tử để bán hàng. Tuy nhiên, việc khởi tạo hóa đơn từ máy tính tiền dường như còn rất khiêm tốn. Bởi, theo các hộ tiểu thương, muốn áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế phải đầu tư thêm một laptop, máy in hóa đơn, máy in mã vạch, máy quét mã vạch… tính sơ sơ cũng vài chục triệu đồng.
"Để chi một khoản tiền lớn như vậy trong thời điểm hiện nay là rất khó với chúng tôi. Hiện việc kinh doanh tại chợ truyền thống rất ảm đạm vi đa phần mọi người đã chuyển sang mua online kể cả thực phẩm thiết yếu cũng như hàng hoá tiêu dùng khác. Chưa kể, việc sử dụng phần mềm và các thiết bị đối với một số kinh doanh nhỏ lẻ và chủ yếu là người già cũng là điều rất khó khăn. Đặc biệt, vấn đề vận hành trong thời gian đầu chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự lúng túng", các hộ tiểu thương cho hay.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Nam, chủ quán ăn tại địa chỉ số 32, đường Thang Long, quận Tân Bình cho hay, bản thân đã từng nghe thông tin trên báo đài về Nghị định 70 về việc bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế hoá đơn điện tử vừa rồi đã nghe thông tin trên. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có đại diện cơ quan thuế hướng dẫn.
“Hiện tại quán vẫn tính tiền cho khách theo thủ công. Nhưng đợt tới, nếu Nghị định 70 áp dụng thì quán sẽ phải mua các thiết bị như: máy tính tiền, máy tính để kết nối. Nhưng mua máy ở đâu, loại nào và cách sử dụng ra sao để có thể kết nối với ngành thuế cũng là cả một vấn đề. Và chuyện lúng túng trong thời gian đầu thực hiện chắc chắn không thể tránh khỏi”, ông Nam cho hay.

Khó thực hiện?
Tiếp tục ghi nhận tại một số địa bàn khác cho thấy, nhiều chủ cơ sở sản xuất may quần áo tại quận 12, Gò Vấp và Tân Phú khẳng định sẽ chấp hành nghiêm việc xuất hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Tuy nhiên vẫn còn một số kiến nghị và băn khoăn về việc sẽ khó thực hiện, như: trường hợp một số mặt hàng chi phí đầu vào không có hóa đơn, hoặc có hóa đơn nhưng bên bán không xuất đúng giá trị tiền họ phải trả thì xử lý thế nào?
"Do đó, nếu từ ngày 1/6 /2025, cơ quan thuế bắt buộc khởi tạo hóa đơn bán hàng từ máy, nhưng đầu vào của chúng tôi có hóa đơn giá trị thấp, trong khi chi thực tế lại cao hơn nhiều. Vậy cách làm thế nào? Không thể nói bán không có hóa đơn thì đừng mua. Không mua, chúng tôi không có nguyên liệu để sản xuất", các hộ tiểu thương cho hay.
Vì vậy, các hộ tiểu thương kiến nghị: Thời gian đầu, nên khuyến khích và sàng lọc hộ có doanh thu lớn để tuyên truyền, áp dụng. Những hộ có doanh thu thấp, người bán tuổi cao, cán bộ thuế cần có hướng dẫn và hỗ trợ, tập huấn cụ thể cho các hộ kinh doanh để tránh vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Theo thông tin từ ngành Thuế, từ ngày 1/6/2025, cả nước sẽ có khoảng 270.000 hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và chuyển sang phương thức kê khai thuế. Hình thức áp dụng theo cơ quan thuế là khá đơn giản. Hộ kinh doanh có thể kê khai thuế theo doanh thu và chi phí thực tế, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Các thiết bị mà hộ kinh doanh cần có gồm máy tính tiền kết nối phần mềm có chuẩn kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Giá thiết bị phổ biến từ 1,2 - 3 triệu đồng/máy và có hỗ trợ trả góp hoặc phần mềm miễn phí. Muốn vậy, hộ kinh doanh chỉ cần đáp ứng điều kiện là có kết nối internet, máy vi tính hoặc điện thoại thông minh, iPad; thực hiện đăng ký với cơ quan thuế và được cơ quan thuế chấp nhận. Cơ quan thuế cũng khuyến cáo nếu không thực hiện chuyển đổi số đúng quy định, có thể bị coi là vi phạm về sử dụng hóa đơn và phạt nặng.
Bình luận về những quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP, luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng giám đốc Công ty luật TNHH Thành Công NDN (NDNLAF), cho rằng Nghị định số 70/2025/NĐ-CP được ban hành nhằm bổ sung, điều chỉnh một số quy định trong Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, nhằm phù hợp với thực tiễn về triển khai hóa đơn điện tử trong thời gian qua. Những thay đổi lần này hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục, tăng tính minh bạch và đảm bảo tính pháp lý của hóa đơn, chứng từ điện tử. Bên cạnh đó, Nghị định 70 còn có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến hóa đơn điện tử, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Do đó, chủ trương triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu từ hộ kinh doanh về cơ quan thuế là bước tiến về tư duy quản lý, chuyển đổi số, quản lý thuế minh bạch. Việc các cơ sở phản ánh khó lấy hóa đơn đầu vào là một thực tế hiện nay. Do đó, các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế cần lắng nghe để biết tâm tư cũng như thực tế để báo cáo khách quan là điều rất cần thiết, đặc biệt là trước khi nghị định có hiệu lực và đi vào cuộc sống.
"Thời gian đầu, nên khuyến khích và sàng lọc hộ có doanh thu lớn để tuyên truyền, áp dụng. Những hộ có doanh thu thấp, người bán tuổi cao… thì cán bộ thuế phải giám sát, theo dõi để nắm rõ, hướng dẫn và hỗ trợ. Tránh trường hợp khi áp dụng và người dân chưa đáp ứng kịp, đầy đủ sẽ bị xử phạt sẽ vô tình làm khó cho hộ kinh doanh vốn thói quen làm ăn nhỏ lẻ và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều", luật sư Nguyên kiến nghị.