Sửa Luật Hải quan: Tạo môi trường thông thoáng thúc đẩy công nghiệp bán dẫn
Việc sửa đổi Luật Hải quan theo hướng tạo cơ chế thông thoáng, ưu tiên cho hàng hóa công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn được đánh giá là bước đi mang tính chiến lược.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, có đặc điểm chung là yêu cầu phản ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và công nghệ. Việc chậm trễ trong khâu thông quan nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và nghiên cứu có thể kéo theo hệ lụy về tiến độ, chi phí, thậm chí mất cơ hội cạnh tranh. Do đó, thủ tục hải quan nhanh chóng, minh bạch là một trong những yếu tố sống còn đối với sự phát triển của ngành.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có quy định riêng về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho các lĩnh vực mang tính chiến lược như bán dẫn, công nghệ cao. Cơ chế ưu tiên hiện hành chủ yếu dựa trên quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, chưa phù hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ mới thành lập hoặc đang ở quy mô nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến lĩnh vực tài chính (Dự thảo) - trong đó có Luật Hải quan đang được trình Quốc hội với nhiều điểm mới quan trọng. Đáng chú ý, Dự thảo hướng đến việc rút ngắn mạnh thời gian thông quan, đồng thời bổ sung cơ chế ưu tiên riêng cho các ngành kinh tế mũi nhọn như bán dẫn, công nghệ cao, logistics, chế biến - chế tạo.
Theo đại diện Ban Pháp chế, Cục Hải quan, việc sửa đổi lần này nhằm cụ thể hóa các định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo bước đột phá trong hiện đại hóa quản lý hải quan và thúc đẩy các ngành chiến lược.
Cụ thể, tại Điều 42 Luật Hải quan bổ sung quy định điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện... Điều 43 Luật Hải quan bổ sung quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp nêu trên theo hướng chế độ ưu tiên được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ số trọng điểm theo danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất ban hành.

Ngoài ra, bổ sung vào quy định tại Điều 47a về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Quy định mới này nhằm giảm thời gian, thủ tục và chi phí quản lý hành chính công cho cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan (cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, thuế nội địa), đồng thời giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trong quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của cơ quan hải quan nói riêng và nền hành chính nhà nước nói chung. Một mặt góp phần giảm bớt các chi phí tuân thủ, mặt khác đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, việc ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa trong khâu giám sát và kiểm tra sau thông quan”, đại diện này chia sẻ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế đánh giá cao bước đi mở rộng chế độ ưu tiên sang các ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn - lĩnh vực đang được nhiều “đại bàng công nghệ” quan tâm dịch chuyển sang Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 1.400 doanh nghiệp chế xuất, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, chế tạo máy, với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Intel, HP, Samsung, Amkor, LG, Panasonic, Sony…
“Muốn đón làn sóng đầu tư mới, Việt Nam phải có cơ chế linh hoạt, thực chất. Việc sửa luật là điều kiện cần, nhưng quan trọng hơn là thực thi phải đồng bộ. Nếu không vẫn còn tình trạng trên thông, dưới tắc thì mục tiêu thông quan nhanh sẽ khó đạt”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Hải quan lần này không chỉ nhằm giảm chi phí tuân thủ mà còn là bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đòi hỏi cơ quan hải quan phải tăng cường năng lực quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ trong giám sát sau thông quan. Nếu thực hiện đồng bộ và quyết liệt, đây sẽ là cú hích quan trọng giúp Việt Nam từng bước định vị mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu - lĩnh vực đang ngày càng mang tính chiến lược trong thời đại số.