Kinh tế thế giới

Châu Á đang "quay lưng" với LNG Mỹ?

Cẩm Anh 26/05/2025 11:16

Các nhà nhập khẩu châu Á có thể sẽ cân nhắc lại các giao dịch dài hạn đối với LNG của Mỹ, trong bối cảnh thuế quan, hạn chế vận chuyển và yếu tố địa chính trị.

Ảnh màn hình 2025-05-25 lúc 20.58.59
Tăng trưởng xuất khẩu LNG của Mỹ đang bị cản trở bởi các điều kiện tài chính ngày càng khó khăn. ẢNH: BLOOMBERG

Người mua năng lượng ở châu Á đang cân nhắc lại các giao dịch mua bán dài hạn đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ khi các yếu tố như thuế quan, rủi ro chính trị và chi phí biến động làm giảm sức hấp dẫn của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại đáng tin cậy.

Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này có thể mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu đối thủ, trong bối cảnh châu Á đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.

Cụ thể, dự án LNG Alaska trị giá 44 tỷ USD, từng được coi là dự án tiêu biểu, được khởi động lại dưới thời Tổng thống Donald Trump và được quảng bá như một tuyến xuất khẩu nhanh sang châu Á hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, bất chấp việc nó từng được dùng như một quân bài mặc cả trong thời gian tạm ngừng áp thuế 90 ngày bắt đầu từ 9/4.

Dự án đề xuất gồm một đường ống dẫn khí dài 1.300 km kéo dài từ North Slope tới Nikiski, nhằm thương mại hóa trữ lượng khí đốt tự nhiên được phát hiện từ năm 1969. Ngay từ đầu, dự án đã nhắm tới các khách hàng châu Á, với trạm xuất hàng ở Nikiski giúp rút ngắn thời gian vận chuyển tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á.

Dù có thông tin cho thấy các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ quan tâm tới dự án, song đến nay chưa có người mua nào ở châu Á đưa ra cam kết tài chính cụ thể. Điều này phản ánh sự do dự trong bối cảnh chính sách bảo hộ của Washington ngày càng rõ rệt và chi phí hạ tầng leo thang, theo nhận định của các chuyên gia.

Ông Sanjeev Gupta, lãnh đạo ngành dầu khí khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại EY-Parthenon, cho biết: “Cục diện thị trường LNG đã thay đổi. Trước đây, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng trả giá cao để đảm bảo nguồn cung từ một nguồn duy nhất. Nhưng hiện nay, những ai có nguồn cung đa dạng lại được hưởng lợi hơn”.

anh-man-hinh-2025-04-21-luc-09-34-47.png
Một cơ sở LNG của Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

“Bối cảnh hiện tại ưu ái các công ty áp dụng chiến lược giao dịch linh hoạt và tối ưu hóa danh mục đầu tư toàn cầu, từ đó khai thác hiệu quả hơn lợi nhuận,” chuyên gia này nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành từ lâu cũng đã nghi ngờ về khả năng sinh lời của dự án này. Theo Business Times, tại một buổi họp công bố kết quả kinh doanh trong tháng này, ông Daisuke Yamada, Giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn dầu khí lớn Inpex (Nhật Bản) nhận định dự án LNG Alaska là “cực kỳ khó để có lãi”, vì việc thi công trên địa hình băng giá chỉ có thể thực hiện trong một phần thời gian mỗi năm.

Theo một nguồn tin của Reuters, Hội đồng An ninh năng lượng của ông Trump đang có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Alaska vào đầu tháng 6, với hy vọng nhận được cam kết từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho dự án LNG Alaska.

Vì LNG từ dự án Alaska có thể sẽ đắt đỏ hơn, người mua ở châu Á đang chuyển sang chiến lược đa dạng hóa nguồn để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.

Một nhà giao dịch LNG tại Singapore nói với The Business Times rằng các người mua Trung Quốc từ lâu đã không còn mặn mà với LNG của Mỹ do rủi ro địa chính trị cao, và đang bán lại các hợp đồng thừa sang châu Âu.

Tuy nhiên, ông Paul Everingham, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khí thiên nhiên và Năng lượng châu Á cho rằng LNG từ Mỹ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗn hợp năng lượng của châu Á trước nhu cầu đang gia tăng.

Một nghiên cứu năm 2024 của Wood Mackenzie dự báo LNG từ Mỹ có thể chiếm một phần ba nguồn cung toàn cầu vào năm 2035 nếu các dự án hiện tại và đang được đề xuất được triển khai, trong khi nhu cầu LNG của châu Á được kỳ vọng sẽ gần như tăng gấp đôi, đạt 510 triệu tấn/năm vào năm 2050, khi các quốc gia mới nổi tìm kiếm nhiên liệu sạch hơn than để phát điện.

Trước vai trò then chốt của LNG, các nước Đông Nam Á đang tìm cách ứng phó với biến động giá và chi phí gia tăng. Ví dụ, Singapore đang thiết lập một đơn vị mua LNG tập trung nhằm tận dụng quy mô để tăng hiệu quả thương mại và giảm thiểu rủi ro nguồn cung. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines và Thái Lan cũng đang tích cực tiếp cận thị trường quốc tế để đảm bảo nguồn LNG.

Mặc dù ông Everingham kỳ vọng việc mở rộng sản xuất LNG của Mỹ sẽ giúp điều tiết giá toàn cầu, nhưng triển vọng xuất khẩu lại bị che phủ bởi môi trường tài chính ngày càng thách thức, đặc biệt là sau khi Mỹ áp mức thuế 25% đối với nhôm và thép từ ngày 12/3, hai vật liệu chiếm khoảng 30% chi phí cơ sở hạ tầng LNG.

Trên thực tế, nhóm phân tích thị trường LNG của Rystad nhận định, chế độ thuế mới đã làm suy yếu nghiêm trọng môi trường đầu tư tại Mỹ bằng cách gia tăng sự bất ổn.

“Các nhà phát triển dự án sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án dài hạn vốn thường mất hơn một thập kỷ để thu hồi vốn,” nhóm chuyên gia này nhận xét, đồng thời cho biết có tám dự án dự kiến sẽ nhận quyết định đầu tư trong ba năm tới đang đối mặt với rủi ro.

Cẩm Anh